Ngày thơ bé mỗi khi trái gió trở trời, giao mùa mưa gió (hay trong tiết Đông – Xuân) tôi rất hay bị ốm với các triệu chứng đau mình mẩy, sốt, ho… có khi cả nhà bị ốm.
Sau này học làm bác sĩ tôi mới biết đó là do bị nhiễm vi rút và cái ốm đó gọi là cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm lạnh (mùa đông – xuân còn gọi là cúm mùa) và cả thế giới có thể gặp chứng này, chứ không chỉ quê tôi.
Lá bưởi
Làng quê nghèo nên mỗi khi nhà có người ốm mẹ thường lấy một số loại lá trong vườn như cây sả, lá bưởi, lá chanh, lá tre, bạch đàn, hương nhu, củ gừng, vỏ quả chanh, cây mùi già… nấu nồi nước xông to tướng cho xông. Nhờ mùi thơm nồi nước xông bốc lên nghi ngút, cộng với tình yêu thương của mẹ và sự chăm sóc ấm cúng trong nhà mà tôi và người thân khỏi bệnh, chứ ngày ấy đâu có thuốc men gì mà dùng như ngày nay.
Cây sả.
Có khi nhà không ai bị ốm, nhưng mẹ vẫn hái và nấu nước các loại lá thơm cho các con tắm. Những hôm trái gió trở trời, hay khi trời xầm xì nồm ẩm ướt át hết nền nhà, chăn màn, giường chiếu… các con đi học về người mỏi mệt, đã thấy mẹ lặng lẽ chuẩn bị xong nồi nước lá thơm rồi gọi các con ra tắm.
Mỗi khi nghe mẹ gọi: 'Con ra mà tắm nước lá nhé!' là tôi cứ mừng rơn. Tắm xong thấy khỏe hẳn ra, người thơm tho ngủ cả đêm dậy vẫn còn mùi thơm.
Nắm lá xông.
Bạn bè cùng lứa xa quê cũng bảo mùi nước lá xông thơm rất thích và dễ chịu, nhiều bạn nghiện nồi nước lá xông từ nhỏ. Mỗi khi sụt sịt là nồi nước lá xông đặt chính giữa, con trẻ ngồi vào cạnh nồi và mẹ trùm tấm chăn mỏng.
Cái vung nồi nước lá xông đầu tiên để hở ít (để cơ thể thích nghi dần với hơi nóng), rồi nhích dần vung nồi cho hơi lá xông ra, khắp người vã hết mồ hôi (thải độc, thải lạnh). Khi nhích hết vung nồi thì người ướt đẫm, nồi nước lá xông chỉ còn ấm. Ra khỏi tấm chăn thấy người thanh thản, tươi mới, rất dễ chịu...
Sau này có gia đình, mỗi khi trở trời, có cúm mùa tôi cũng chỉ tắm và chữa cảm cúm cho trẻ nhỏ bằng nồi nước lá xông... chẳng phải dùng tới một viên thuốc.
Nồi nước xông.
Ở Hà Nội xưa mua lá xông rất dễ, chợ nào cũng có bà bán lá thuốc Nam tươi, trong đó có những mớ lá xông đủ các loại lá về đun tắm được cả tuần, mỗi ngày một nồi to cả vừa gội đầu vừa tắm, thơm tho, sạch sẽ, ngủ ngon, không cảm cúm, cảm lạnh, nhiễm bệnh dịch gì cả.
Quá nửa đời người tôi làm bác sĩ xa mẹ, xa quê luôn nhớ mùi thơm nồi nước lá xông của mẹ. Năm nay cả thế giới đang vất vả chống chọi với dịch CoviD-19. Theo tôi, bản chất dịch CoviD -19 cũng là dịch vi rút trong mùa cúm hàng năm. Ngành Y tế đã có rất nhiều biện pháp để phòng chống dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, không bắt tay, khai báo, khám, xét nghiệm, cách ly, điều trị… mà hiện giờ Chính phủ vẫn đang tổ chức khá tốt, nhân dân nói chung là khá nghiêm túc chấp hành. Tôi cũng luôn chấp hành đúng quy đình.
Nhưng tôi nghĩ tự phòng bệnh ở mọi cấp độ (mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi địa phương và cả toàn quốc) là vô cùng quan trọng, bởi phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn, hiệu quả hơn nhiều lần so với chữa bệnh.
Nước lá xông cần xông ngay lúc nóng. Ảnh minh họa.
Trở lại với dịch CoviD-19 lần này, tôi thấy mọi người rất nên dùng nồi nước lá thơm đó để tắm. Với những loại lá có tinh dầu, có khả năng sát trùng như vậy sẽ rất tốt cho việc dự phòng nhiễm cúm, sạch sẽ da dẻ, thông khí, tăng sức đề kháng, thơm tho và tăng sự minh mẫn, tỉnh táo, tích cực.
Tắm nước lá thơm như vậy mỗi tuần 2-3 lần; tắm khi thấy người mệt, đau mỏi cơ; tắm trước khi gần gũi với người thân, đặc biệt là bế ẵm, thơm hít trẻ em; tắm khi đi đâu xa (kể cả từ Ý, từ Anh, từ Mỹ, từ Úc…) về đều rất tốt.
Các loại lá xông ngày càng hiếm. Ảnh minh họa.
Hiện nay, ở Hà Nội vì khó kiếm các loại lá thơm, nên có thể ngâm tắm bằng nước ấm với tinh dầu, ví dụ tinh dầu mùi già – là loại tinh dầu có bán khá nhiều tại các siêu thị - hầu như tối nào tôi cũng ngâm tắm bằng nước pha tinh dầu đó.
Ngoài hiểu biết đúng, tích cực dự phòng, có lối sống lành mạnh, sinh hoạt khoa học, không hoảng loạn… cần tận dụng những điều kiện sẵn như áp dụng biện pháp tắm lá xông bằng các lá thuốc Nam dễ làm, rẻ tiền, hiệu quả, an toàn của cha ông… là người dân đã góp phần đẩy lùi được dịch CoviD-19 quái ác một cách hiệu quả mà ít tốn kém.
GS. TS Nguyễn Anh Trí
Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC
Cảm cúm, cảm lạnh, nhiễm hàn khí… Đông y gọi là chứng thương phong, do chính khí suy yếu, tà khí thừa cơ xâm nhập gây bệnh. Hoặc do khả năng lọc sạch không khí của hệ hô hấp kém, sức đề kháng giảm nên vi khuẩn, vi rút thừa cơ thâm nhập cơ thể; Người có tiền sử viêm mũi, họng, thanh quản, amidan... gặp không khí ô nhiễm, thời tiết thay đổi mà cơ thể không thích nghi kịp cũng sinh bệnh… có thể dùng lá xông với các thảo dược dễ kiếm như sau:
Nguyên liệu:
Lá tre, lá sả, lá bưởi, ngải cứu, hương nhu, bạc hà, tía tô mỗi thứ 10 - 20g, hoặc một nắm to.
Cách nấu lá xông:
Tất cả các loại lá trên (trừ bạc hà) rửa sạch cho vào nồi nước xâm xấp.
Đặt lên bếp đun nhỏ lửa cho sôi khoảng 10 phút.
Khi nào chuẩn bị xông thì cho bạc hà vào đun tiếp 1-2 phút. Múc lại 1 ca nước để lại để lúc xông xong thì uống.
Chọn nơi kín gió, cởi quần áo dài rồi trùm chăn kín đầu, từ từ mở hé nồi nước lá xông để cơ thể thích nghi dần với độ nóng (không mở hết cả vung nồi lá xông ngày vì hơi nóng tỏa mạnh sẽ thấy ngộp). Vừa xông vừa hé vung dần xa, có thể hé chăn chút cho dễ thở. Xông trong 5 - 10 phút là được.
Lấy nước xông còn ấm đó tắm nhanh rồi lau khô, mặc quần áo.
Uống ca nước lá xông đã để lại lúc trước, đắp chăn nằm nghỉ.
Công dụng của từng loại lá:
Lá tre: Giải nhiệt, thanh tâm, tiêu đờm, khiến mồ hôi ra, sát khuẩn, cảm sốt.
Sả: Làm cho ấm bụng tiêu hóa, sát khuẩn, khử uế, tiêu đờm, cảm sốt, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, ho, viêm phổi, giải độc rượu.
Lá bưởi: Giải cảm, tiêu thực. Uống trị sốt ho, nhức đầu.
Ngải cứu: Cầm máu, điều hòa khí huyết.
Hương nhu: Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, làm cho ra mồ hôi.
Tía tô: Khu phong trừ hàn, trị cảm mạo.
Bạc hà: Sát khuẩn ngoài da và tai mũi họng, chống viêm. Nước xông bạc hà trị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau họng.
Có thể gia giảm như sau:
- Nếu đau nhức mình mẩy, gân cốt: Thêm lá duối, hoặc ngũ gia bì vào nồi lá xông.
- Nếu cơ thể không ra được mồ hôi: Thêm thân rễ cây cúc tần.
- Nếu đau họng nhiều: Thêm lá xoài.
- Nếu ho nhiều kèm có đờm: Thêm lá đại bi...
Lưu ý:
- Trước khi xông múc ca nước xông để riêng. Xông xong thì uống để đề phòng cảm lạnh sau khi bỏ chăn ra và tắm (nhằm nâng cao hiệu quả điều trị).
- Chỗ xông cần rộng bằng cái chiếu, tuyệt đối kín gió để tránh cảm lạnh.
- Không nên xông quá 10 phút vì sẽ gây mất tân dịch (mất nước) và dẫn tới ngộ hãn.
- Không dùng cho phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người không điều khiển được hành vi bằng cách này vì dược liệu có nhiều tinh dầu (nhất là sả, bạc hà), sức nóng của nhiệt lớn.
- Không xông khi cơ thể đang sốt cao, hoặc đang hôn mê.
- Quá trình xông cẩn thận và đề phòng bỏng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!