Gàu là hiện tượng bong vảy do tế bào chết ở da đầu gây nên. Tác nhân chính gây ra gàu là vi nấm Pityrosporum ovale.
Bình thường, loại nấm này vẫn tồn tại trên da đầu nhưng với số lượng ít và không gây hiện tượng gì. Nhưng khi da đầu tăng tiết mồ hôi tạo nên môi trường ẩm, dùng nhiều loại dầu gội, dầu xả trong thời gian ngắn hoặc dùng nước gội quá nóng và gãi, cào quá mạnh làm da đầu tróc nhiều, nấm P.ovale sẽ sinh sôi nảy nở, dẫn đến gàu và làm ngứa da đầu.
Gàu cũng có thể phát sinh do đội mũ quá chật, bị stress, căng thẳng tâm lý, do môi trường sống, một số bệnh da như dị ứng, vảy nến... Ngoài ra, việc dùng thuốc nhuộm tóc, uốn tóc... cũng có thể gây gàu.
Ảnh minh họa
Việc một người có nhiều gàu, có thể gây ngứa nhiều, nếu để kéo dài không điều trị sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Những vệt đỏ có thể hiện ra nếu ngứa gãi hoặc cào mạnh khi gội đầu. Điều này càng làm da đầu bị tổn thương, có thể bội nhiễm vi khuẩn.
Vì tình trạng cơ địa của mỗi người khác nhau nên bài viết sẽ tư vấn chung về việc trị gàu da đầu.
Đầu tiên, có thể dùng các loại dầu gội đầu trị gàu. Các loại này trong thành phần thường chứa thuốc chống nấm giúp tiêu diệt sự phát triển của các loại vi nấm trên tóc, nhất là P. ovale; các chất tiêu sừng như sulfid selen và pyrithion, dầu cade, axit salicylic, AHA hoặc pirocton olamin có tác dụng ngăn chặn hiện tượng sừng hóa, tróc vảy trên da đầu; chất dưỡng da và tóc.
Cần phải biết cách gội đầu sao cho hiệu quả. Sau khi làm ướt tóc, xoa dầu gội một cách nhẹ nhàng lên tóc, mát-xa da đầu (tránh không dùng móng tay cào, gãi) rồi để 5 phút cho thuốc ngấm, tiếp đó, xả kĩ tóc cho sạch hết dầu gội.
Mỗi tuần, chỉ nên gội dầu trị gàu từ 1 đến 2 lần. Việc dùng quá thường xuyên sẽ dẫn đến hiện tượng quá tải, làm ngứa thêm. Ngoài ra, dùng bồ kết đun nước gội đầu cũng có tác dụng trị gàu hữu hiệu.
Để hết gàu, thường phải điều trị như trên trong khoảng 1 tuần đến 1 tháng. Tuy nhiên, gàu da đầu còn do các nguyên nhân khác như bệnh vảy nến, do dị ứng... nên nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà không khỏi, người bệnh đi khám chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!