Biểu hiện của trẻ bị dị ứng bỉm
- Khi dùng một loại bỉm mới ngay lần đầu tiên, bé đã bị nổi mẩn hoặc mụn khắp mông hay vùng bẹn, bụng dưới.
- Một số bé khác có biểu hiện đau rát, ủng đỏ, bong da ở những chỗ tiếp xúc trực tiếp với bỉm.
- Da bé bị loét, hậu môn bị đỏ, đồng thời bé khóc khi đi tiểu hoặc đi vệ sinh 'nặng', nước tiểu có mùi hôi.
- Biểu hiện nặng nhất của trẻ bị dị ứng bỉm là bé sốt và nổi mẩn đỏ khắp người.
Cách xử lý khi trẻ bị dị ứng bỉm
- Ngay lập tức tháo bỏ bỉm cho trẻ vì nếu tiếp tục đóng bỉm, kể cả là dùng loại bỉm khác, vết dị ứng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
- Tránh sử dụng mọi loại hóa chất khi trẻ đã bị dị ứng như khăn ướt, xà phòng, sữa tắm.
- Theo dõi trong vài giờ sau khi đã loại bỏ bỉm, không dùng bất cứ loại hóa chất nào xem chỗ bị dị ứng có dấu hiệu giảm nhẹ hoặc dịu đi không.
- Có thể sử dụng kem chống hăm nếu như trẻ chỉ bị dị ứng nhẹ. Với trẻ bị nặng, vùng nổi mẩn và mụn nhiều, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm nhất có thể.
Nên chọn bỉm có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng (Ảnh minh họa: Internet)
Một số lưu ý khi dùng bỉm cho bé
1. Chọn bỉm rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng
Để tiết kiệm chi tiêu, nhiều gia đình đã chọn mua loại bỉm 'trần', không có nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vì giá thành rẻ hơn rất nhiều so với bỉm có thương hiệu và đầy đủ nhãn mác.
Với các bé có làn da khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, các loại bỉm này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, với những trẻ có làn da nhạy cảm, nếu dùng bỉm không được đóng gói theo quy chuẩn về an toàn và chất lượng, bé rất dễ bị hăm tã, ngứa ngáy, dị ứng, lở loét, nặng thì bệnh truyền vào bên trong cơ thể gây viêm nhiễm bộ phận sinh dụng, về lâu dài thậm chí còn gây vô sinh....
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, bố mẹ không nên chọn loại bỉm không rõ nguồn gốc xuất xứ và đóng gói thủ công, thiếu nhãn mác.
2. Thay bỉm thường xuyên cho trẻ
Với những bé vẫn đóng bỉm thường xuyên, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý phải thay bỉm cho trẻ thường xuyên: 2 - 3 giờ với trẻ sơ sinh; 4 - 5 giờ với trẻ lớn hơn (hoặc dùng bỉm quần) và thay bỉm ngay khi con đi vệ sinh 'nặng'.
Cũng để tiết kiệm hoặc vì quá bận rộn, nhiều bậc phụ huynh đã đợi bỉm ướt sũng mới thay bỉm cho con mà không biết rằng việc làm này đang tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công làn da và cơ thể trẻ.
3. Nên cho trẻ không đóng bỉm vài giờ trong ngày
Đóng bỉm nhanh gọn, sạch sẽ, tiện lợi... đó là điều mà bà mẹ nuôi con nhỏ nào cũng phải thừa nhận. Tuy nhiên, chính vì những tiện ích của nó mà nhiều bậc phụ huynh đóng bỉm cho con suốt 24/24 giờ. Điều này rất nguy hiểm với làn da non nớt của trẻ, đặc biệt là vào mùa hè. Nó có thể dẫn đến hăm, loét, viêm da ở vùng đóng bỉm.
Với trẻ nhỏ vẫn dùng bỉm thường xuyên, mỗi lần thay bỉm, bố mẹ nên để cho cơ thể trẻ tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài một lúc trước khi đóng bỉm mới.
Với trẻ lớn hơn, nên bỏ bỉm dần cho trẻ và rèn cho trẻ thói quen đi vệ sinh vào bô.
4. Chọn bỉm đúng kích cỡ
Đóng bỉm quá rộng hay quá chật đều gây khó chịu cho bé và không đảm bảo an toàn về sức khỏe. Nếu bỉm quá rộng, khi trẻ đi vệ sinh, phân hoặc nước tiểu có thể tràn ra ngoài. Nếu bỉm quá chật, trẻ bị ngứa ngáy, bí bách và khó chịu. Vì vậy, khi chọn mua bỉm, ngoài vấn đề nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, bố mẹ còn cần lưu ý chọn bỉm đúng với cân nặng, độ tuổi của con.
5. Tuyệt đối không dùng lại bỉm cũ
Bỉm vẫn còn nhẹ, bỉm chỉ dính một chút phân đã vội lau đi để dùng lại... Không ít bậc phụ huynh đã tiết kiệm tiền mua bỉm bằng cách cho con mặc lại bỉm cũ mà không biết rằng việc làm sai lầm này đã 'rước bệnh' cho con bằng cách tạo cơ hội cho vi khuẩn theo đường nước tiểu, phân có trong bỉm cũ xâm nhập cơ thể trẻ.
6. Thoa kem chống hăm cho trẻ khi thay bỉm
Với những trẻ có làn da nhạy cảm, trẻ sơ sinh, mỗi lần thay bỉm, sau khi vệ sinh sạch sẽ và lau khô vùng đóng bỉm cho trẻ, nên dùng kem chống hăm tại các nếp gấp của đùi và háng. Lớp kem này sẽ bảo vệ trẻ khỏi bị vi khuẩn tấn công, giúp trẻ tránh bị hăm, dị ứng, ngứa ngáy khi dùng bỉm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!