Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đăng tải những câu chuyện các ca đẻ rơi con trên taxi, trên tàu hỏa, thậm chí cả trên máy bay. Những câu chuyện đó cũng rất đậm tình người, bỗng dưng ông chồng, chiến sỹ công an, thậm chí cả tiếp viên hàng không...cũng trở thành những 'bà đỡ bất đắc dĩ'. Theo các chuyên gia y tế, đẻ rơi không phải là hiếm, nhưng nếu không biết cách sơ cứu, em bé có thể bị mất máu, nhiễm trùng, gây nguy nhiểm đến tính mạng.
Đẻ rơi rất nguy hiểm đối với tính mạng của cả mẹ và con (Ảnh minh họa: Internet)
Đẻ rơi là cuộc đẻ xảy ra đột ngột không phải tại cơ sở y tế hoặc không được chuẩn bị từ trước.Trong trường hợp đẻ rơi, thai nhi đã ra khỏi đường sinh dục của mẹ nên không phải qua giai đoạn 'đỡ đẻ' mà chỉ còn vấn đề phải chăm sóc sơ sinh và bà mẹ sau đẻ để tránh và hạn chế tai biến cho cả mẹ và con. Đẻ rơi rất nguy hiểm đối với tính mạng của cả mẹ và con.Trong một số trường hợp đẻ rơi, thai nhi và bọc ối cùng ra khỏi tử cung người mẹ một lúc (đẻ rơi cả bọc) thì việc quan trọng lúc đầu là phải xé ngay túi ối để giải phóng thai. Nếu chậm, thai sẽ bị chết ngạt.
Có 3 tình huống có thể xảy ra đẻ rơi: Đẻ rơi tại nhà (trong lúc chuẩn bị đến cơ sở y tế, hoặc trong lúc chờ cô đỡ đến) - đẻ rơi tại nơi làm việc (đồng ruộng, nương rẫy) - đẻ rơi trên đường hay trên tàu, xe (khi đang di chuyển trên đường hay trên tàu, xe do bất kỳ lý do gì hoặc đang trên đường đến đẻ tại cơ sở y tế). Cách xử trí các trường hợp đẻ rơi như sau:
1. Đẻ rơi tại nhà:
- Giải thoát nhanh trẻ khỏi đũng quần hoặc váy, áo bà mẹ.
- Bế trẻ trên tay, dùng ngay một cái khăn, cái áo hay mảnh vải bất kỳ nào đó, miễn là khô để quấn cho trẻ.
- Nhanh chóng lau sạch nhớt ở đầu mặt, miệng, mũi để làm thông đường hô hấp.
- Ủ ấm, đặt đầu trẻ hơi thấp và nghiêng một bên.
- Nếu trẻ khóc được, cho bú mẹ ngay.
- Nếu có gói đỡ đẻ sạch thì mở ra dùng các dụng cụ trong gói đó cắt rốn và làm rốn theo đúng qui trình.
- Nếu không có gói đỡ đẻ sạch thì chỉ cần buộc chặt cuống rốn bằng bất kỳ sợ giây nào rồi chuyển đến cơ sở y tế ( không được cắt rốn bằng bất cứ dụng cụ gì có sẵn trong nhà). Vị trí nơi buộc rốn càng xa chân rốn (ở bụng trẻ) càng tốt để đến cơ sở y tế sẽ được buộc, cắt và làm rốn lại.
- Chuyển bà mẹ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc thông báo với cơ sở y tế/ cô đỡ thôn bản xử trí tiếp cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Giải thoát nhanh trẻ khỏi đũng quần hoặc váy, áo bà mẹ khi đẻ rơi tại nhà (Ảnh minh họa: Internet)
2. Đẻ rơi nơi làm việc:
- Việc đầu tiên cũng là giải thoát nhanh trẻ ra khỏi đũng quần hoặc váy, áo bà mẹ.
- Đặt bà mẹ và trẻ nằm lên một chỗ cao ráo, tương đối sạch sẽ nếu có mảnh ni lông sạch, hoặc tấm khăn, chiếc áo để sản phụ nằm lên thì càng tốt.
- Đặt trẻ nằm trên bụng mẹ, vuốt sạch nhớt miệng mũi, tìm bất cứ một mảnh vải, khăn hay quần áo khô để ủ cho trẻ (nhất là vào mùa lạnh cần bằng mọi cách giữ ấm cho cả mẹ và con).
- Nếu trẻ khóc được thì đặt trẻ nằm trên bụng và ngực mẹ để ngậm vú cho bú ngay.
- Ngay lúc đó tìm bất kỳ một sợi dây nào như: dây rút quần, dây cổ yếm, xé ở vạt áo hay ở khăn mùi xoa... để buộc chặt cuống rốn, cách xa chân rốn của trẻ, mục đích không cho máu của trẻ chảy vào bánh rau khi rau bong.
- Không được cắt rốn dù có sẵn dao kéo nhưng chưa được diệt khuẩn.
- Sau đó chuyển sản phụ và trẻ đến 1 trạm y tế gần nhất.
3. Đẻ rơi trên đường, trên tàu, xe:
Cũng áp dụng như tình huống 2.
- Nếu đẻ ở đường thì sau khi thắt chặt cuống rốn, ủ ấm trẻ rồi nhờ các phương tiện vận tải cơ giới hoặc thô sơ chuyển cả 2 mẹ con tới cơ sở y tế gần nhất.
- Nếu đang đi trên tàu, xe: sau khi thắt chặt cuống rốn, ủ ấm trẻ rồi đề nghị với lái tàu, lái xe dừng lại ở nơi nào có cơ sở y tế gần nhất trên đường đi.
Tóm lại các thao tác cơ bản để xử trí đẻ rơi dù ở đâu cũng cần thực hiện theo thứ tự như sau:
A. Giải thoát nhanh trẻ ra khỏi đũng quần hoặc váy, áo bà mẹ.
B. Dùng ngay một mảnh vải khô để quấn trẻ.
C. Nhanh chóng lau sạch nhớt khỏi miệng, mũi, đầu mặt.
D. Ủ ấm, đặt đầu trẻ hơi thấp và nghiêng 1 bên (tốt nhất là ủ ấm bằng phương pháp da kề da).
E. Nếu trẻ khóc được, cho bú mẹ ngay.
F. Buộc chặt dây rốn càng xa nơi bám của dây rốn tại bụng trẻ càng tốt.
G. Chuyển cả 2 mẹ con đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý:
Giải quyết các tình huống đẻ rơi cần nhanh chóng, thận trọng, cố gắng bảo đảm an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, tránh không để mất máu không để bị nhiễm lạnh và nhiễm khuẩn cho cả mẹ và con.
>> Xem thêm:
Con bạn có phải là 'thiên tài'?
Cách dạy con hay không tưởng của cha mẹ Đức
6 việc làm của cha mẹ khiến con khó thành công
10 set đồ đôi đáng yêu của Elly Trần và con gái
Thúy Đặng
(Nội dung do Vụ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!