Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng vừa tiếp nhận ca đẻ rơi trên xe ô tô của gia đình. Sản phụ L. T. Đ. T, sinh năm 1991, ở Hồng Bàng, Hải Phòng đã đẻ rơi trên xe ô tô gia đình do chồng lái từ Hà Nội về Hải Phòng. Sản phụ T cùng bé gái được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Khám bệnh tiếp nhận, cắt rốn cho em bé tại xe, chuyển hai mẹ con lên khoa Đỡ đẻ an toàn.
Sau ca “tự mình vượt cạn”, sản phụ T cho biết, thai lần 1, chị đã sinh cháu tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Quá trình chuyển dạ và sinh con lần 1 kéo dài suốt 24 tiếng, chị được sinh con bằng kỹ thuật đẻ không đau. Nên khi có thai lần 2, dù vợ chồng chị sống và làm việc tại Hà Nội nhưng anh chị vẫn muốn được sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Vì vậy, sáng hôm đó, khi thấy đau bụng biết mình chuyển dạ, nhưng vì nhớ lần sinh trước, quá trình chuyển dạ kéo dài gần 24 tiếng nên anh chị quyết định về Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng để sinh.
Trên đường từ Hà Nội về Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cơn co tử cung tăng dần lên, anh động viên chị cố nhịn, nhưng về gần đến Bệnh viện, cơn co tử cung dồn dập, cổ tử cung mở hết, chị đã sinh bé gái trên xe. Rất may, khi bé gái chào đời cũng là lúc xe anh đưa chị về đến cổng Bệnh viện. Được các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện hỗ trợ kịp thời, chị và bé gái đã an toàn.
Theo BS CK I Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng khoa khám bệnh, thời gian chuyển dạ sinh con lần đầu trung bình kéo dài từ 6 đến 12 giờ, nhưng sinh con lần 2, lần 3… thời gian chuyển dạ sẽ nhanh hơn bởi âm đạo đã co giãn tốt hơn, vì vậy, bạn không nên chủ quan. Hãy đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển dạ để được sự hỗ trợ của nhân viên y tế, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra cho mẹ và bé.
Hãy đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển dạ để được sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
Chuyển dạ là một quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ.
Chuyển dạ sinh đủ tháng khi tuổi thai từ 38-42 tuần (trung bình là 40 tuần, là ngày sinh dự kiến), khi đó thai nhi đã trưởng thành và có khả năng sống độc lập khỏe mạnh ngoài tử cung.
Sinh non khi tuổi thai từ 22-37 tuần, thai nhi có thể sống được.
Sinh già tháng khi tuổi thai ≥ 42 tuần.
Tiền chuyển dạ là giai đoạn trước chuyển dạ thật sự, có thể kéo dài một vài tuần. Thai phụ có thể có các triệu chứng: tiểu nhiều lần, tăng dịch tiết âm đạo, bụng sụt, tử cung có các cơn co thưa - nhẹ - không đau rõ, đau các khớp vùng chậu…
Chuyển dạ thật sự khi có 3 trong 5 tiêu chuẩn sau: Đau bụng từng cơn tăng dần.Ra dịch nhầy hồng âm đạo. Có sự thay đổi ở ổ tử cung (cổ tử cung xóa và mở).Đầu ối được thành lập.Có sự tiến tiển của ngôi thai sau mỗi cơn co tử cung.
Khi có các cơn đau bụng gò cứng, ra dịch nhầy âm đạo, ra nước loãng âm đạo… bạn nên nhập viện khám ngay vì đó là thời điểm cho thấy bạn sắp sinh.
Nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ thật
Nếu có một trong các dấu hiệu sau bạn cần đi khám ngay:
Cảm thấy đau mỗi khi bụng gò cứng: cơn gò cứng bụng mỗi lúc càng dày hơn và đau tăng.
Ra dịch nhầy hồng âm đạo: ra chất nhớt hồng, hay có khi ra máu.
Ra nước loãng âm đạo: đột ngột thấy ra nước nhiều âm đạo, nước loãng thường trắng đục và có mùi tanh, sau đó tiếp tục ra rỉ rả.
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, các mẹ bầu nên nhập viện khám để đảm bảo an toàn cho quá trình sinh bé. Chúc các mẹ bầu “mẹ tròn con vuông”.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!