Trong quá trình sinh nở, các phương pháp giảm đau thông thường như tiêm thuốc tê đường tĩnh mạch hay gây tê ngoài màng cứng cũng gây ra cảm giác đau và có thể tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Điều này khiến nhiều người nghĩ đến việc dùng khí cười khi sinh.
Khí cười từ lâu đã được sử dụng để giảm đau trong nha khoa, tuy nhiên việc dùng khí cười khi sinh có lẽ vẫn còn khá lạ lẫm với mọi người. Vậy sử dụng khí cười mang lại hiệu quả thế nào cho quá trình chuyển dạ? Phương pháp này có ảnh hưởng gì đến mẹ bầu và bé hay không? Mời các bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!
Khí cười là gì?
Khí cười hay nitơ oxit (N2O), là một loại khí không màu, không vị. Khí cười có tác dụng giảm đau, thường được sử dụng trong các phòng nha để giúp bệnh nhân thư giãn hơn. Vì không có vị nên khí cười dễ được sử dụng hơn, nhất là đối với những người lo lắng rằng sẽ cảm thấy vị lạ trong miệng khi hít phải một vài loại khí đặc biệt.
googletag.cmd.push(function() { googletag.display('div-gpt-ad-1564317781557-0'); });
Hiện nay, tại Hoa Kỳ, khí cười đang bắt đầu được sử dụng trở lại để kiểm soát cơn đau của mẹ bầu lúc chuyển dạ. Các bác sĩ nhận thấy sử dụng khí cười đem lại ít tác dụng phụ hơn so với các phương pháp giảm đau truyền thống như tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng hoặc tiêm tĩnh mạch.
Khí cười được sử dụng trong sản khoa như thế nào?
Khác với các phương pháp giảm đau thông thường như gây tê ngoài màng cứng, khí cười giúp giảm đau bằng cách khiến mẹ bầu thư giãn và thả lỏng tinh thần. Người ta thường nói rằng, việc sợ hãi sẽ khiến nỗi đau tăng lên nhiều lần. Khí cười giúp kiểm soát và làm giảm đáng kể sự lo lắng của mẹ bầu, từ đó khiến nỗi đau giảm đi rất nhiều lần. Đây được xem là một phương pháp giảm đau ít xâm lấn và cũng ít gây đau đớn cho mẹ bầu.
Trong một nghiên cứu, khi đưa ra hai sự lựa chọn giữa gây tê ngoài màng cứng và khí cười thì có khoảng 20% mẹ bầu đã chọn sử dụng khí cười. Trong đó, 60% trường hợp vẫn có thể tiếp tục quá trình sinh nở mà không cần gây tê thêm nữa. Sau đó, cả hai nhóm, nhóm sử dụng gây tê ngoài màng cứng và nhóm sử dụng khí cười, được yêu cầu đánh giá về hiệu quả giảm đau của phương pháp đã chọn. Nhóm sử dụng khí cười có nhiều đánh giá khác nhau về mức độ hiệu quả của loại khí này trong việc giảm đau nhưng mức độ hài lòng của họ cao hơn so với nhóm sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng.
Một trong những điểm mạnh của khí cười là việc sử dụng dễ dàng, cùng với tốc độ tác dụng nhanh chóng. Hầu hết các phòng sinh đều được trang bị thiết bị để sử dụng khí cười, một dụng cụ có thể cung cấp khí thông qua mặt nạ. Khi những cơn co thắt bắt đầu, bạn chỉ cần đưa mặt nạ lên mặt và hít thở đều đặn như bình thường.
Nếu chọn áp dụng phương pháp này, mẹ bầu sẽ được khuyến cáo nên bắt đầu hít khí cười khoảng 30 giây trước khi các cơn co thắt diễn ra. Việc này giúp nồng độ nitơ oxit trong máu đạt được mức cao nhất vào cùng thời điểm cơn co thắt diễn ra mạnh nhất. Bạn có thể nhìn vào máy theo dõi thai nhi hoặc nghe theo hướng dẫn từ các hộ sinh để dự đoán thời điểm các cơn co thắt bắt đầu diễn ra.
Khí cười có thể mang lại tác dụng giảm đau chỉ vài phút sau khi sử dụng, nhanh hơn nhiều lần so với các loại thuốc và hình thức giảm đau khác trong sản khoa, bao gồm cả gây tê ngoài màng cứng. Đây có thể là một giải pháp tạm thời tuyệt vời trong thời gian chờ đợi gây tê ngoài màng cứng hoặc bác sĩ gây mê xuất hiện.
Thiết bị cung cấp khí cười được thiết lập cố định sẵn để cung cấp 50% oxy và 50% nitơ. Nếu bạn lo lắng về vấn đề an toàn thì hãy yên tâm, loại khí này không bắt lửa nên không gây cháy nổ.
Khí cười được sử dụng trong giai đoạn nào của quá trình chuyển dạ?
Không giống như các phương pháp giảm đau khác, khí cười có thể được sử dụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình chuyển dạ. Vì thế, đây là một lựa chọn tuyệt vời khi bạn cần giảm đau nhanh. Bạn có thể sử dụng khí cười sớm trước khi được gây tê hay trong thời gian chuyển giao các giai đoạn, khi không có thời gian để thực hiện gây tê ngoài màng cứng hoặc tiêm thuốc vào tĩnh mạch vì có nhiều rủi ro.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng khí cười trong giai đoạn rặn đẻ hoặc nhau sổ. Nitơ oxit cũng có thể được sử dụng trong giai đoạn tử cung co trở lại và đẩy bánh nhau ra ngoài hoàn toàn hay khi bác sĩ sản khoa tiến hành thăm dò tử cung bằng tay. Đây là hai giai đoạn mà bạn sẽ cảm thấy mức độ đau tăng lên rất nhiều do các thủ tục y tế liên quan gây ra, nhất là khi không được gây tê ngoài màng cứng.
Bạn có thể sử dụng khí cười để hỗ trợ thêm cho gây tê ngoài màng cứng. Một vài người còn sử dụng cách này trong quá trình tiêm ngoài màng cứng để giảm bớt nỗi sợ hãi và căng thẳng.
Tác dụng phụ của khí cười trong sản khoa
Chưa có tác dụng phụ nào được ghi nhận về việc dùng khí cười khi sinh. Thực tế, hình thức giảm đau này không làm thay đổi bất kỳ điều gì khi sinh mổ hay hỗ trợ sinh với kẹp forceps hoặc giác hút sản khoa. Chúng dường như không gây ảnh hưởng đến thời gian chuyển dạ.
Một nguyên nhân khác khiến các mẹ bầu lựa chọn dùng khí cười khi sinh chính là cách mà chúng tác động lên hoạt động của họ lúc chuyển dạ. Khí cười không có tác dụng gây tê nên khi sử dụng loại khí này, bạn vẫn có thể tự do di chuyển và chọn những tư thế thoải mái nhất cho bản thân. Bạn có thể vừa duy trì được tư thế thoải mái, vừa có thể sử dụng khí cười được. Thêm vào đó, một số thiết bị cung cấp khí nitơ oxit có thể di chuyển được, vì vậy bạn cũng có thể đi lại trong quá trình sử dụng loại khí này.
Rất nhiều bệnh viện không đặt ra quá nhiều hạn chế đối với các mẹ bầu lựa chọn dùng khí cười khi sinh. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng khi bắt đầu sử dụng khí cười vì nó có thể gây mất thăng bằng. Bạn có thể cần ai đó giúp đỡ để chắc chắn rằng mình ổn định và thoải mái trong quá trình sử dụng loại khí này. Đôi khi nhiều mẹ bầu cũng hy vọng được sử dụng khí cười khi sinh con dưới nước. Nếu có mong muốn này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp an toàn và hợp lý nhất.
Những trường hợp chống chỉ định dùng khí cười khi sinh
Có hai trường hợp chống chỉ định dùng khí cười khi sinh là những mẹ bầu đã từng phẫu thuật phần trong tai tại thời điểm sinh và mẹ bầu bị thiếu hụt vitamin B12. Nguy cơ xảy ra các vấn đề đối với những mẹ bầu thiếu hụt vitamin B12 được ghi nhận khi sử dụng nitơ oxit là có tác dụng như một loại thuốc gây mê, chứ không phải thuốc giảm đau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên thận trọng khi sử dụng chúng trong quá trình sinh nở đối với những đối tượng này.
Tác dụng phụ của khí cười lên thai nhi
Vẫn chưa tác dụng phụ nào được ghi nhận ở trẻ sơ sinh cũng như chưa có chứng minh nào về nguy cơ dẫn đến suy thai như một số loại thuốc khác khi dùng khí cười. Khí cười cũng không làm ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của trẻ. Do đó, quá trình cho con bú ngay sau sinh của bạn sẽ hầu như không bị ảnh hưởng.
Tác dụng phụ của khí cười lên mẹ bầu
Hầu hết các mẹ bầu dùng khí cười khi chuyển dạ đều rất hài lòng về kết quả mà phương pháp này mang lại. Có lẽ bạn cũng biết, không có một thủ thuật y tế hay thuốc nào hoàn toàn vô hại, tuy nhiên, không phải ai cũng gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn này. Dù đa số các mẹ bầu chỉ nói về cảm giác thư giãn giữa các cơn co thắt khi sử dụng khí cười, một số mẹ bầu sau khi sử dụng khí cười báo cáo rằng mình bị buồn nôn, chóng mặt và buồn ngủ. Tuy vậy, các tác dụng phụ này chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn và sẽ nhanh chóng biến mất sau khi ngừng sử dụng.
Nếu muốn sử dụng phương pháp này khi sinh, mẹ bầu nên làm gì?
Trước khi áp dụng bất kỳ một biện pháp can thiệp y tế nào, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu bản thân có thích hợp để thực hiện các phương pháp hỗ trợ này hay không. Ngoài ra, hãy hỏi thử bác sĩ xem liệu bệnh viện của họ có áp dụng phương pháp dùng khí cười khi sinh hay chưa. Nếu không, bạn có thể cần sử dụng các phương pháp khác để hỗ trợ giảm đau khi chuyển dạ.
Dùng khí cười khi sinh là một phương pháp giảm đau được đánh giá cao về hiệu quả nhanh cũng như ít tác dụng phụ cho cả mẹ và bé. Phương pháp này có thể sử dụng kết hợp với gây tê ngoài màng cứng để giúp tăng hiệu quả của quá trình gây tê. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, mẹ bầu bị chống chỉ định hoặc có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng khí nitơ oxit, vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn dùng phương pháp hỗ trợ này khi sinh.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tình trạng khó sinh do kẹt vai có gây nguy hiểm cho mẹ và bé không?
- Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không?
- Mách mẹ bầu 9 bí quyết giúp hạn chế sinh mổ lấy thai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!