Cách xử trí khi trẻ bị cúm

Làm mẹ - 04/29/2024

Nếu trẻ bị sốt có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorid 0,9%.

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa từ hè sang thu. Tiết trời nắng nóng vào ban ngày và se lạnh vào ban đêm, với độ ẩm không khí cao hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, vi-rút, đặc biệt là vi-rút gây cúm ở người, nhất là trẻ em.

Triệu chứng

Khi thời tiết thay đổi đột ngột trẻ em rất dễ bị mắc bệnh cảm cúm với các biểu hiện viêm đường hô hấp trên, viêm mũi, viêm mũi họng, viêm thanh quản, khí phế quản. Triệu chứng khi trẻ bị cúm là nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, nóng sốt, đau họng và ho, kèm theo buồn nôn, kéo dài khoảng 2 tuần...

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện 1-3 ngày sau nhiễm vi-rút. Vi-rút thải ra từ bệnh nhân ở cuối thời kỳ ủ bệnh và đào thải nhiều nhất trong thời kỳ phát bệnh từ 3-4 ngày. Bệnh cúm lây truyền qua đường hô hấp nên khả năng lây lan rất nhanh, mạnh và khó kiểm soát, đặc biệt là tại các môi trường sinh hoạt tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học...

Cách xử trí khi trẻ bị cúm

Ảnh minh họa

Ðiều trị

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và dễ bị các biến chứng liên quan đến cúm. Tỷ lệ trẻ nhập viện do bệnh cúm cao nhất là ở trẻ em dưới 2 tuổi. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi trẻ bị cúm cần phải được điều trị sớm, có thể điều trị tại nhà nhưng dưới sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ.

Nếu trẻ bị sốt có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorid 0,9%. Nếu một vài ngày điều trị tại nhà mà không có biểu hiện đỡ thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị. Nên cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thức ăn lỏng ấm, bổ, giàu vitamin C. Đặc biệt, không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ.

Bệnh cúm ở trẻ em nếu không được điều trị ngay, để nặng dễ dẫn tới những biến chứng như: viêm phổi tiên phát và thứ phát trong đó viêm phổi tiên phát là nặng nhất với triệu chứng khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn rồi tử vong; viêm tai; suy hô hấp do phù phổi cấp tính...

Phòng bệnh

Cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ thân nhiệt ổn định (tuyệt đối tránh để trẻ tiếp xúc với không khí nóng - lạnh đột ngột), giữ vệ sinh thân thể. Trường hợp trẻ bị cúm nên cho trẻ nghỉ học để không lây sang các bạn cùng lớp. Một biện pháp cũng nên áp dụng để phòng bệnh là cho trẻ tiêm vắc-xin ngừa cúm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!