Cảm thấy nghẹn khi nuốt: Coi chừng mắc bệnh

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Nuốt nghẹn làm bệnh nhân lo lắng và có cảm giác như mình đang có u trong họng.

Nuốt nghẹn là cảm giác chẹn lại của thức ăn, nước uống trên đường từ miệng xuống dạ dày. Tùy theo mức độ, biểu hiện của nuốt nghẹn có thể chỉ là cảm giác nuốt vướng hoặc không thể nuốt được. Nuốt nghẹn làm bệnh nhân lo lắng và có cảm giác như mình đang có u trong họng.

Cảm thấy nghẹn khi nuốt: Coi chừng mắc bệnh

Nuốt nghẹn làm bệnh nhân lo lắng và có cảm giác như mình đang có u trong họng (Ảnh minh họa: Internet)

Một số nguyên nhân gây nuốt nghẹn thường gặp:

Các khối u vùng họng

Ung thư vòm mũi họng

Nuốt nghẹn chỉ biểu hiện ở giai đoạn muộn khi khối u lan rộng làm tổn thương các dây thần kinh sọ gây liệt họng. Ngoài biểu hiện nuốt nghẹn, bệnh nhân gầy sút, biểu hiện tình trạng nhiễm độc, hạch cổ to, chắc, khám thấy khối sùi ở vòm loét và hoại tử.

U vùng họng như các khối u của amidan, các khối u thanh quản hạ họng... biểu hiện nuốt vướng sẽ xuất hiện thường xuyên, tăng dần, nuốt vướng kèm theo nuốt đau và không ăn uống được. Bên cạnh đó, người bệnh xuất hiện hạch cổ sờ cứng, ít di động, khó thở...

Các khối u lành tính vùng họng thường gây nuốt vướng thường xuyên và có thể thay đổi giọng nói ở giai đoạn có kích thước lớn, tuy nhiên việc thăm khám nội soi tai mũi họng sẽ xác định tình trạng có u hay không.

Bướu giáp

Các khối u của tuyến giáp nằm ở ngoài khoang họng nhưng cũng ảnh hưởng tới nuốt khi to chèn ép và thực quản, nhất là các khối u tuyến giáp phát triển về phía sau. Tùy loại khối u mà người ta phẫu thuật hay hóa chất hay xạ trị.

Hội chứng cổ

Cảm thấy nghẹn khi nuốt: Coi chừng mắc bệnh

Người bị hội chứng cổ thường kèm theo đau mỏi vùng cổ (Ảnh minh họa: Internet)

Trong hội chứng này, người bệnh thường có cảm giác như lúc nào cũng đang cài khuy áo ở cổ chặt cứ phải nới ra nhất là trong mùa đông phải mặc áo cao cổ hoặc nam giới hay phải thắt cà vạt. Người bệnh nuốt nghẹn khi nuốt nước bọt nhưng ăn uống vẫn bình thường, biểu hiện nuốt nghẹn lúc có lúc không, không thay đổi hoặc thay đổi ít theo thời gian. Người bệnh hay kèm theo đau mỏi vùng cổ, đứng lên ngồi xuống hoa mắt chóng mặt, mỏi vai gáy và lan xuống cánh tay.

Tùy mức độ của bệnh mà dùng phương pháp phục hồi chức năng làm mềm các cơ vùng cổ và phối hợp thuốc uống: mềm cơ vân, tăng cường tuần hoàn não, an thần...

Nuốt nghẹn liên quan đến bệnh lý trào ngược

Hiện tượng này xảy ra khi cơ thắt tâm vị yếu, đóng không chặn làm cho dịch axit của dạ dày trào lên vùng họng, sụn phễu là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với dịch nên dễ bị phù nề gây nuốt nghẹn. Ở giai đoạn đầu, nuốt nghẹn không liên quan đến ăn uống nhưng nếu không được điều trị bệnh rất dễ nặng dần và cũng gây nghẹn, nhất là với thức ăn đặc.

Điều trị trào ngược sẽ giải quyết được tình trạng này, tuy nhiên việc điều trị thường xuyên sẽ kéo dài trong 3 tháng và sẽ có tái phát vì trào ngược là một bệnh do rất nhiều nguyên nhân. Thuốc hay được dùng là kháng sinh điều trị dạ dày, kháng histamin, an thần, giãn cơ trơn, chống dị ứng.

Rối loạn nhu động thực quản cơ năng

Thường do yếu tố tâm lý. Người bệnh cảm giác nghẹn khi nuốt nước bọt, ăn uống hoàn toàn bình thường. Khi căng thẳng lo âu, nuốt nghẹn sẽ tăng dần. Vì liên quan đến tình trạng tâm lý nên biểu hiện nuốt nghẹn sẽ lúc có lúc không. Nếu bớt lo âu triệu chứng sẽ giảm dần.

Việc điều trị gặp nhiều khó khăn do biểu hiện nuốt nghẹn trong những trường hợp này hay gặp ở người bệnh có nhân cách yếu. Tâm lý liệu pháp là biện pháp cơ bản kết hợp với các thuốc giãn cơ, an thần.

Viêm thực quản

Thường xuất hiện sau khi ăn hoặc uống một thức ăn hoặc đồ uống bệnh nhân xuất hiện nghẹn ngay cổ và bỏng rát dọc theo thực quản.

Chẩn đoán xác định bằng nội soi thực quản thấy niêm mạc thực quản sung huyết, có thể có vùng loét hoặc chảy máu. Điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, chống dị ứng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Những trường hợp nghẹn do phản xạ gây rối loạn chức năng co bóp thực quản chỉ cần uống một ngụm nước, vươn cổ, vươn vai hoặc vuốt dọc theo đường đi của thực quản là có thể hết nghẹn. Để phòng nuốt nghẹn, cần thay đổi cách ăn uống, ăn chậm nhai kỹ, nuốt từ từ.

Những loại thức ăn có tính chất dai, nhầy, trơn cần cắt nhỏ trước khi ăn. Khi ngồi vào bàn ăn tinh thần cần được thoải mái, tránh bức xúc tức giận.

Trong trường hợp nuốt nghẹn lặp đi lặp lại nhiều lần, nuốt nghẹn tăng dần, thì cần phải đến bác sĩ để được thăm khám cẩn thận, phát hiện và có hướng xử lý kịp thời.

Nuốt nghẹn là cảm giác thức ăn, nước uống bị chẹn lại trên đường từ miệng xuống dạ dày.

TS. Phạm Bích Đào

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!