Trầm cảm căn bệnh nguy hiểm hơn cả ung thư.
Căn bệnh của xã hội hiện đại
PGS, TS Tô Thanh Phương – nguyên Phó Giám đốc, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết hiện nay bệnh trầm cảm phố biến ở dân cư. Theo thống kê của thế giới, có tới 20% dân số bị trầm cảm trong đó có 5% số người bị trầm cảm thể nặng hoang tưởng, ảo thanh xui khiến, lo ầu, buồn bực và có xu hướng tìm đến cái chết.
Hầu như các bệnh nhân trầm cảm đều muốn tìm đến cái chết. TS Phương nhấn mạnh không có đau đớn nào bằng đau đớn của bệnh trầm cảm. Người bị ung thư họ đau nhưng cố gắng để sống còn người bị trầm cảm chỉ muốn tìm đến cái chết.
TS Phương cho biết hầu như các bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm chỉ khi đã có những biểu hiện rõ ràng, nặng nề, do đó rất khó chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Có nhiều bệnh nhân mất ngủ trắng đêm 5 năm, 8 năm, thậm chí 12 năm nhưng do không xác định được căn nguyên tình trạng mất ngủ là do trầm cảm, nên thường được chỉ định dùng các loại thuốc an thần, hoàn toàn không mang lại hiệu quả trong điều trị.
Theo vị bác sĩ, trầm cảm được chia làm 3 loại, gồm: Nội sinh, tâm căn và triệu chứng.
Nội sinh là tự bản thân người bệnh có bệnh, không phải do tác động bên ngoài. Tâm căn là do tác động của gia đình, xã hội, công việc… Cuối cùng là triệu chứng, khi người bệnh quá lo lắng, chán nản vì mắc bệnh nan y, bệnh lâu năm khó chữa..., sẽ dễ sinh bệnh trầm cảm.
Việc điều trị cho bệnh nhân trầm cảm cần dựa vào 3 nguyên nhân trên để đưa ra phác đồ phù hợp.
Một số yếu tố thuận lợi để phát sinh trầm cảm là người bệnh gặp cú sốc trong gia đình, làm ăn thất bại, môi trường cạnh tranh, nhiều áp lực. Một số người có tính cách rụt rè, kín đáo, ít thổ lộ tâm tình cũng dễ mắc trầm cảm hơn người hướng ngoại.
Dấu hiệu trầm cảm
Trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm, tuy không nhìn thấy hậu quả ngay như các bệnh nan y khác nhưng bệnh này tiến triển âm thầm, gây ra nhiều chuyện đáng tiếc cho bản thân bệnh nhân và gia đình. Đặc biệt, ngày càng nhiều người ở lứa tuổi rất trẻ tự sát vì trầm cảm. Cần phát hiện sớm triệu chứng bệnh, đi khám đúng chuyên khoa, tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị Các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai), có đến 80% bệnh nhân trầm cảm không được điều trị đúng chuyên khoa bởi từ các dấu hiệu, họ thường đến bác sĩ nội, bác sĩ đa khoa để khám.
Các dấu hiệu của trầm cảm: nét mặt trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi.
Người bệnh mất thích thú trong cuộc sống. Đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích gần vợ gần chồng, thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm. Ăn ít, không ngon, nhạt miệng.
Trằn trọc khó ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe, đầu óc khó tập trung, do dự không 'quyết' được, không đối phó được.
Hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết. Có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận. Người còn đi làm thì giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, đãng trí, cảm thấy bế tắc.
Người bệnh tự nghĩ chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, thua người ta, không bằng người ta, trở nên vô dụng, không đáng sống, nghĩ và đôi khi tìm cách chết.
Mặc dù hầu hết các trường hợp trầm cảm, kể cả bệnh trầm cảm nặng, đều có thể kiểm soát hiệu quả với điều trị nhưng nhiều người lại trì hoãn. Chỉ có khoảng 1/3 số người bị trầm cảm được điều trị. Thông thường, người bệnh chung sống với trầm cảm trong suốt một thập kỷ trước khi điều trị. Tuy nhiên cũng như mọi bệnh lý khác, trầm cảm càng được điều trị sớm thì cơ hội chữa khỏi càng cao.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!