Cần lấp đầy 'khoảng trống' trong chăm sóc người cao tuổi

Thời sự - 11/24/2024

Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học, đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số. Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn 'già hóa dân số' sang 'dân số già', khiến nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần phải nhanh chóng được lấp đầy.

Những khó khăn vướng mắc trong chăm sóc người cao tuổi

Theo dự báo đến năm 2049, tại Việt Nam, cứ 4 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên (khoảng 27 triệu người). Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế xã hội nếu không có chính sách thích ứng phù hợp.

Theo Kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, chỉ có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, có 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị dẫn đến không điều trị.

Cần lấp đầy 'khoảng trống' trong chăm sóc người cao tuổi

Mô hình và nguyên nhân bệnh tật người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng, khiến cho gánh nặng 'bệnh tật kép' ngày càng rõ ràng. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có khoảng 2,97 triệu người (39% người cao tuổi) được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Như vậy còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình và con cháu.

Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc về việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta hiện, ông Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Khó khăn lớn nhất với việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay là mô hình và nguyên nhân bệnh tật người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng, khiến cho gánh nặng 'bệnh tật kép' ngày càng rõ ràng.

Tình trạng sức khỏe người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác. Tuổi càng tăng thì tỉ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm viện càng dài. Do hệ quả của sự thay đổi mô hình bệnh tật là các bệnh không lây nhiễm đang nhanh chóng trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn phế cho người cao tuổi. Và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những thập niên tới. Đồng thời chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi, gánh nặng lớn về nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là điều không tránh khỏi.

Người cao tuổi phải có những kiến thức y tế cơ bản và chủ động chăm sóc sức khoẻ

Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm. Khi tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng, đặc biệt là tốc độ tăng nhanh ở nhóm dân số cao tuổi nhất (trên 80 tuổi và số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên), đã đặt ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng lớn.

Trong khi đó, mức độ hiểu biết về chăm sóc sức khỏe và tự chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn thấp, phần lớn người cao tuổi không biết các biểu hiện hoặc cách phòng chống các bệnh thường gặp.

Khả năng và tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa các nhóm người cao tuổi hết sức khác nhau. Và đây là nguyên nhân khiến cho một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không được điều trị, chăm sóc đầy đủ ngay cả khi phát hiện ra bệnh tật.

Cần lấp đầy 'khoảng trống' trong chăm sóc người cao tuổi

Cách tiếp cận theo suốt cuộc đời để già hóa khỏe mạnh/WHO

Mặt khác, mặc dù tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhưng mạng lưới y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn yếu, nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng còn thiếu, kỹ năng phát hiện và điều trị chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 1 bệnh viện lão khoa trung ương, 49/63 bệnh viện tỉnh, TP có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa.

Những bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi là xương khớp, huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi. Đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế - lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của người cao tuổi.

Trước hết, bản thân người cao tuổi phải có những kiến thức y tế cơ bản và phải chủ động tham gia mua BHYT cho chính mình, cho gia đình của mình để phòng những lúc bệnh tật ập đến. Người cao tuổi cũng cần tự chuẩn bị những khoản tiền dự phòng để chủ động chi tiêu khi cần thiết. Hàng năm, người cao tuổi cũng nên đi khám bệnh định kỳ từ 1-2 lần/năm để phòng ngừa, phát hiện kịp thời nếu có bệnh. Bên cạnh đó, những người thân trong gia đình có người cao tuổi cần quan tâm về mặt tinh thần, sức khỏe làm sao để người cao tuổi trong gia đình sống vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc.

Một số giải pháp chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh đến những mục tiêu giải pháp chủ yếu cho chăm sóc người cao tuổi. Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Cần lấp đầy 'khoảng trống' trong chăm sóc người cao tuổi

Tăng cường vai trò các tổ chức chính trị xã hội trong việc xây dựng vận động thực hiện chính sách già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh minh hoạ

Để giải quyết được mục tiêu cần một số giải pháp chính sách an ninh xã hội cho người cao tuổi trước xu thế già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay:

- Nâng cao nhận thức các nhà quản lý hoạch định chính sách cũng như toàn bộ cộng đồng về những thách thức của già hóa dân số với đời sống người cao tuổi.

- Giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm đảm bảo và cải thiện thu nhập cho người cao tuổi có được từ lao động và hưu trí. Gắn liền với chính sách này cần: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các nhóm dân số, đặc biệt là chú trọng đến mở rộng hệ thống BHXH với thiết kế linh hoạt, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người cao tuổi. Thúc đẩy người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Đặc biệt là những người có chuyên môn trình độ kỹ thuật cao. Trợ cấp xã hội cho nhóm người cao tuổi dễ tổn thương theo hướng mở rộng và tiến tới một hệ thống phổ cập cho mọi người cao tuổi. Một hệ thống nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu.

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho 1 tuổi già khỏe mạnh, tránh bệnh tật, thương tật và tàn tật. Xây dựng và củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đặc biệt là mạng lưới kiểm soát các bệnh mãn tính. Phát triển mạnh mẽ mạng lưới bác sĩ gia đình.

Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào phát triển các trung tâm bảo trợ xã hội và các trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi. Nhất là đối với người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi là những người có công với đất nước. Xây dựng hệ thống bệnh viện và tổ chức nghiên cứu lão khoa trên phạm vi cả nước. Trước mắt là cần hoàn thiện hệ thống lão khoa trong các bệnh viện đa khoa, phát triển hệ thống các bệnh viện chuyên khoa lão khoa ở trung ương và các tuyến tỉnh. Củng cố và hoàn thiện các bộ phận khám chữa bệnh lão khoa.

Tăng cường vai trò các tổ chức chính trị xã hội trong việc xây dựng vận động thực hiện chính sách già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Các tổ chức này, đặc biệt là Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam. Xây dựng cơ sở dữ liệu có tính đại diện quốc gia và thực hiện các nghiên cứu toàn diện về dân số người cao tuổi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!