Cẩn thận khi ra quá nhiều mồ hôi

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Tình trạng tăng tiết mồ hôi có thể do một số nguyên nhân như: bệnh đái tháo đường, suy tim sung huyết, viêm tuyến giáp...

Bệnh tăng tiết mồ hôi là do tăng hoạt động quá mức của tuyến mồ hôi trên cơ thể. Có 2 dạng bệnh: tăng tiết mồ hôi lan tỏa (toàn thân) và tăng tiết mồ hôi khu trú (lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng hõm nách).

Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng tới những công việc sử dụng tay và giao tiếp xã hội, khiến người bệnh dễ có tâm lí ngại ngùng, tránh tiếp xúc.

Vậy làm cách nào để biết mình có bị bênh tăng tiết mồ hôi? Cách chữa trị bệnh này ra sao? ThS. Vũ Thị Tuyết Mai đến từ Bộ Y tế sẽ giải đáp cho các bạn.

Câu hỏi 1: Xin chào Bác sĩ! Tôi tên Thuấn, là nam giới sinh năm 1990. Tôi thường ra rất nhiều mồ hôi trên cơ thể và cả ở lòng bàn tay mỗi khi vận động hay làm việc nặng nhọc. Thậm chí lúc nóng bức tuy không làm gì nhưng tôi vẫn ra rất nhiều mồ hôi làm tôi rất khó chịu và mất tự tin. Vậy tôi có bệnh gì không? Cách chữa thế nào? Xin cảm ơn!

Cẩn thận khi ra quá nhiều mồ hôi

Ảnh minh họa

Trả lời:

Tình trạng tăng tiết mồ hôi khi lao động nặng nhọc hoặc làm việc dưới thời tiết oi bức là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, như trường hợp của bạn không làm gì nhưng vẫn ra rất nhiều mồ hôi là hiện tượng bệnh lý.

Nguyên nhân là do rối loạn hệ thần kinh thực vật. Đó là do cường hệ thần kinh giao cảm. Trong những trường hợp mức độ tăng tiết mồ hôi vừa phải, có thể chỉ cần điều trị bằng các thuốc nhóm anticholinergic nhưng tác dụng phụ của chúng là làm khô niêm mạc, giảm tiết chất nhầy và gây buồn ngủ.

Trường hợp ra mồ hôi quá nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc của bệnh nhân thì cần phải điều trị bằng phẫu thuật cắt hạch giao cảm hoặc với tăng tiết mồ hôi vùng nách có thể phẫu thuật cắt bỏ tuyến mồ hôi tại chỗ bằng nhiệt hay laser.

Ngoài ra, tình trạng tăng tiết mồ hôi có thể do một số nguyên nhân khác như: bệnh đái tháo đường, suy tim sung huyết, bệnh Parkinson, viêm tuyến giáp, lo lắng, kích động hay dùng các thực phẩm gây kích thích như thuốc lá, cà phê.

Bạn nên đến cơ sở y tế uy tín khám để được các bác sĩ trực tiếp thăm khám và điều trị cho bạn!

Chúc bạn mau khỏe! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới cho chúng tôi!

Câu hỏi 2: Thưa Bác sĩ! Chân tay cháu ra mồ hôi liên tục, cháu đã đi khám rất nhiều nơi, uống rất nhiều thuốc mà không thấy đỡ chút nào cả. Vì vậy cháu muốn hỏi Bác sĩ xem cháu bi bệnh gì? Có nghiêm trọng không? Chữa trị như thế nào cho hiệu quả ạ? Cháu xin cảm ơn!

Cẩn thận khi ra quá nhiều mồ hôi

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chân tay cháu ra mồ hôi liên tục có thể là bệnh tăng tiết mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi được chia làm 5 mức độ, từ nhẹ là cảm giác hơi ẩm ướt đến nặng là ướt như vừa nhúng vào chậu nước.

Tùy theo mức độ tăng tiết mồ hôi mà điều trị có thể là điều trị nội khoa (dùng thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống để giảm tiết mồ hôi, xoa bột để hút mồ hôi...), hoặc phẫu thuật.

Điều trị nội khoa thường chỉ mang lại kết quả tạm thời. Muốn có kết quả lâu dài, phương pháp mổ cắt hạch giao cảm ngực trên là có hiệu quả nhất.

Cháu đã đi khám rất nhiều nơi, uống rất nhiều thuốc mà không thấy đỡ chút nào. Tốt nhất là cháu nên đi khám chuyên khoa nội tiết hoặc thần kinh để bác sĩ đánh giá mức độ tăng tiết mồ hôi của cháu và có hướng điều trị thích hợp.

Chúc cháu sớm khỏi bệnh!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!