Cẩn trọng kẻo nhiễm giun, sán chó từ rau sống

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Nhiễm giun, sán từ chó sẽ khá nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm.

Cẩn trọng kẻo nhiễm giun, sán chó từ rau sống

Chó là vật nuôi rất quen thuộc với nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc thường xuyên và chăm sóc chó không đúng cách hoặc ăn các loại rau, củ ở những nơi bị nhiễm phân chó mà không được rửa kỹ cũng có khả năng bị nhiễm giun, sán từ chó.

Cẩn trọng kẻo nhiễm giun, sán chó từ rau sống

Nếu tiếp xúc thường xuyên và chăm sóc chó không đúng cách, người nuôi có thể mắc giun, sán từ chó.

Trường hợp chị NTH (ngụ tỉnh Sóc Trăng) thường xuyên lau, dọn, tắm cho chó. Thời gian gần đây chị thấy người hay nổi mẩn đỏ và ngứa. Khi đến bệnh viện xét nghiệm thì mới biết mình bị nhiễm giun, sán. “Tôi bị nổi mẩn đỏ mỗi khi tiếp xúc với nước, do có đọc thông tin trên mạng nên nghi mình bị mình bị nhiễm sán chó, đi xét nghiệm thì bác sĩ cho biết là nhiễm giun chó, mèo”.

Anh NHL (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: "Nhà tôi không nuôi chó hoặc mèo nhưng trong người hay bị ngứa, nổi mẩn đỏ nhiều, khi xét nghiệm thì biết mình bị nhiễm giun, sán chó. Tham khảo thông tin thì nghĩ mình có thể nhiễm sán từ việc ăn rau sống. Do tôi thường xuyên ăn rau sống".

Trứng giun chó theo phân ra ngoài, khi chó nằm có thể dính lên lông. Trường hợp người lớn hoặc trẻ em vuốt ve chó thì trứng giun có thể dính lên tay. Nếu dùng tay để bốc thức ăn cho vào miệng thì đây chính là con đường trứng giun, sán vào cơ thể người. Hoặc trường hợp, một số người ăn rau sống bị nhiễm giun, sán nhưng không được rửa kỹ, đây cũng là con đường chúng vào cơ thể.

Người mắc bệnh giun, sán chó có thể nổi mẩn ngứa, người mệt mỏi, đau bụng,... Nặng hơn có thể làm tổn thương não hoặc một số bộ phận khác trong cơ thể.

Theo ThS-BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, khi vào cơ thể người, giun có thể lên phổi, mắt, não,... chúng bò đến đâu gây bệnh đến đó. Thường bệnh này xảy ra với người thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo. Nhiều trường hợp người nuôi chó nhưng không tẩy giun, phân chó có giun có thể dính lên lông, người tiếp xúc với chó thì có khả năng giun sẽ đi vào cơ thể người. Ngoài ra, việc nhiễm giun, sán chó có thể do thói quen ăn rau sống nhưng lại không được rửa kỹ.

Để tránh bị nhiễm giun, sán chó, người nuôi cần tẩy giun định kỳ cho chó, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh. Đồng thời, sau khi tiếp xúc với chó cần rửa tay thật kỹ. Bên cạnh đó, nên ăn chín, uống sôi để hạn chế bị nhiễm bệnh giun, sán do chó, ThS-BS Anh Thơ cho biết thêm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!