Phát hiện sớm và điều trị xoắn tinh hoàn kịp thời giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn phải cắt tinh hoàn hoặc teo tinh hoàn nếu còn giữ lại được tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn phát sinh do thừng tinh tự xoắn quanh trục làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn. Tình trạng xoắn tinh hoàn xuất hiện đột ngột và nếu không được điều trị kịp thời để tháo xoắn, người bệnh có nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn do tinh hoàn hoại tử. Từ đó, người bệnh có thể gặp các vấn đề tâm lý liên quan tới việc mất tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn thường xảy ra ở thanh thiếu niên độ tuổi từ 10 - 25 tuổi. Trong đó, có khoảng 65% các trường hợp xoắn tinh hoàn gặp ở người vị thành niên, từ 12 tuổi - 18 tuổi. Một nghiên cứu gồm 49 người bệnh được chẩn đoán xoắn tinh hoàn và được điều trị tại Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cho thấy 48,98% người bệnh trong độ tuổi từ 16 - 21. Ngoài ra, xoắn tinh hoàn có thể gặp ở nam giới các độ tuổi khác nhưng với tỷ lệ thấp hơn.
Mổ xoắn tinh hoàn
'Xoắn' có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Nhìn chung, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong sinh hoạt thường ngày ở nam giới, 50% trường hợp ghi nhận được xảy ra trong lúc người bệnh đang ngủ. Đôi khi tình trạng này xảy ra sau sang chấn vùng bìu hoặc cũng có giả thuyết cho rằng do bất thường trong cấu trúc thừng tinh nuôi dưỡng tinh hoàn.
Lưu ý: khi có những triệu chứng: đau đột ngột hoặc dữ dội ở bìu, sưng bìu, không thấy tinh hoàn nằm ở vị trí bình thường… người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Thời gian vàng để cấp cứu là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát tình trạng xoắn của thừng tinh.
Người bị xoắn tinh hoàn thường tự cảm thấy đau dữ dội, đột ngột ở vùng bìu trong bệnh cảnh của hội chứng đau cấp tính vùng bìu.Người bệnh cũng có thể nhận thấy tinh hoàn nằm ở vị trí cao hơn hoặc ở một góc 'lạ' so với bình thường. Tinh hoàn bị xoắn có thể dần sưng to, đỏ, tím, kém hoặc không di động nhất là so với bên còn lại, da bìu từ từ phù nề. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, mặc dù trong một số trường hợp người bệnh không phát hiện các triệu chứng nêu trên một cách rõ ràng.
Không nên chủ quan
Một số nam giới hoặc phụ huynh có con trai bị tinh hoàn xoắn chần chừ trong việc đến một cơ sở y tế khám bệnh mà ở nhà tự tìm kiếm các thông tin trên internet, hoặc tự dùng thuốc giảm đau uống làm mất cơ hội được điều trị sớm. Trên thực tế, số người bệnh đến cấp cứu trong 'thời gian vàng' 6 giờ từ khi xảy ra tình trạng xoắn tinh hoàn đến khi can thiệp tháo xoắn để cứu tinh hoàn là rất ít. Theo báo cáo khoa học từ Bệnh viện Bình Dân, 80% người bệnh xoắn tinh hoàn đến khám khi tình trạng đau bìu đã khởi phát vượt hơn 24 giờ. Việc khám và điều trị muộn kéo theo những hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Đến kịp 'giờ vàng'
Xoắn tinh hoàn là tình trạng cấp cứu và cần được can thiệp phẫu thuật tháo xoắn trong 6 giờ để đảm bảo chức năng tinh hoàn về sau. Nếu người bệnh xoắn tinh hoàn được phát hiện trong khoảng từ 6 - 12 giờ khả năng giữ được tinh hoàn là 50%. Nếu can thiệp trong khoảng từ 12 - 24 giờ cơ hội cứu sống tinh hoàn chỉ còn 20%.
Đối với các bác sĩ, xoắn tinh hoàn là cấp cứu mà người thầy thuốc luôn 'chạu đua với thời gian' để tìm kiếm cơ hội cứu tinh hoàn cho người bệnh. Ngay cả khi người bệnh đến sau khi đau 24 giờ, các bác sĩ vẫn xử trí nhanh nhất có thể dù cơ hội giữ được tinh hoàn không còn nhiều.Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn hoại tử chỉ được đặt ra khi tinh hoàn có dấu hiệu hoại tử rõ.Tinh hoàn bên còn lại thường được bác sĩ cố định trong lúc phẫu thuật để tránh khả năng xoắn tinh hoàn sau này.
Trong một số trường hợp, tinh hoàn có thể tự tháo xoắn mà không cần đến can thiệp y tế. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần được thăm khám tại các cơ sở y tế có khoa Tiết niệu, Nam khoa để loại trừ nghi ngờ xoắn tinh hoàn, ngay cả khi triệu chứng đau bìu đã giảm hoặc hết.
Một số vấn đề cần tư vấn hậu phẫu
Để chăm sóc tinh thần và thể chất toàn diện cho người bệnh, nhất là giảm thiểu những ảnh hưởng tâm lý cho người bệnh phải cắt bỏ một bên tinh hoàn, người bệnh và gia đình cần được tư vấn hậu phẫu cặn kẽ, có kế hoạch chăm sóc cụ thể.
Người bệnh cần tránh những môn thể thao có tính chất đối kháng trực tiếp hoặc mặc quần bảo hộ để tránh nguy cơ chấn thương tinh hoàn, nhất là khi chỉ còn tinh hoàn một bên.
Nếu một tinh hoàn bị cắt bỏ, điều đó không có nghĩa là người bệnh không thể có con về sau. Tinh hoàn còn lại vẫn sẽ sản xuất đủ tinh trùng để giúp thụ thai với trứng của người vợ tương lai. Tuy nhiên, số lượng tinh trùng thấp đã được ghi nhận ở những nam giới chỉ còn một tinh hoàn.
Nếu cắt tinh hoàn, bên còn lại có thể sẽ phát triển lớn hơn để bù đắp mất mát.Người bệnh cũng có thể nhờ bác sĩ đặt tinh hoàn giả vào vùng bìu trống khi tình trạng sức khỏe cho phép.
Phòng ngừa xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong sinh hoạt thường ngày, bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể gặp. Do đó, nam giới cần lưu ý một số yếu tố nguy cơ đối với xoắn tinh hoàn như sau:
- Về tuổi tác, nam giới trong độ tuổi từ 10 - 25 tuổi cần khám ngay khi có hội chứng bìu cấp.
- Về tiền căn, nếu nam giới đã từng gặp tình trạng xoắn tinh hoàn hoặc đau bìu đột ngột rồi hết đau mà chưa từng khám và điều trị cần chú ý khả năng xoắn tinh hoàn tái diễn.
- Về nhiệt độ, xoắn tinh hoàn đôi khi được gọi là 'hội chứng mùa đông' vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm cơ bìu co lại nhanh chóng dẫn đến xoắn tinh hoàn, nhất là khi có sẵn bất thường của thừng tinh.
Các bác sĩ Nam khoa, BV Bình Dân, vừa thực hiện một ca mổ xoắn tinh hoàn cho bệnh nhân nam sinh năm 2005, sống tại Q12, TPHCM vào ngày 30/12/2019.
Bệnh nhân bị đau bìu trái đột ngột trong khi đang ngủ vào lúc 5g30 sáng.Bệnh nhân và gia đình thấy dấu hiệu bất thường gồm đau bìu trái, tinh hoàn trái sờ đau, nằm cao và không di động như bên tinh hoàn phải nên đến BV Bình Dân khám ngay. Sau khi bác sĩ chuyên khoa nam học khám và siêu âm xác định chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấp cứu để tháo xoắn thừng tinh trái, cứu sống tinh hoàn đang trong nguy cơ thiếu máu nuôi do xoắn. Khi mở bìu trái, các bác sĩ phát hiện thừng tinh của bệnh nhân bị xoắn 2 vòng, ngược chiều kim đồng hồ với nút xoắn chặt khiến thừng tinh và tinh hoàn bên tương ứng phù nề, tím sẫm. Điều may mắn bệnh nhân đến bệnh viện sớm trong vòng 4 giờ sau khi đau, nên các bác sĩ đã bảo tồn được tinh hoàn cho người bệnh nam giới 14 tuổi này. Sau mổ, thừng tinh và tinh hoàn của bệnh nhân trở lại hồng hào, bác sĩ cố định hai tinh hoàn để tránh nguy cơ xoắn tái phát.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!