Cảnh báo bệnh nguy hiểm: Cậu bé 16 tuổi bị sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu chỉ bằng 1/6 bình thường

Làm mẹ - 11/24/2024

Bệnh nhi nhập viện vì sốt xuất huyết nặng khiến tiểu cầu giảm mạnh, lừ đừ, nôn ói liên tục, đau bụng nhiều vùng hạ sườn phải, rối loạn vận mạch nguy hiểm.

Bé N.V.K. (16 tuổi, ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) nhập khoa Nhi, bệnh viện Cửu Long trong tình trạng sốt cao liên tục 4 ngày, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ăn uống ít, chán ăn. Tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán bị sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4, tiểu cầu giảm rất thấp.

Sau nhập viện, bé bắt đầu có dấu hiệu cảnh báo: Lừ đừ, uống rất ít, nôn ói liên tục, đau bụng nhiều vùng hạ sườn phải, rối loạn vận mạch, tay chân mát, huyết áp cao.

Bệnh nhi được chuyển qua phòng hồi sức tích cực nhi và bắt đầu truyền dịch hiệu chỉnh cân nặng theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tiểu cầu chỉ còn 26.100/mm3, tức chỉ bằng 1/6 người thường. Bệnh nhi liên tục gia tăng tình trạng đau bụng, không ăn uống được

Sau 2 ngày đêm điều trị tích cực kịp thời, điều chỉnh dịch truyền bệnh nhi đã phục hồi tốt, ăn uống khá hơn, giảm đau bụng, huyết áp và tiểu cầu dần ổn định.

Cảnh báo bệnh nguy hiểm: Cậu bé 16 tuổi bị sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu chỉ bằng 1/6 bình thường

Bé trai bị sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện.

Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Hiện chưa có vaccin phòng bệnh này. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành.

Bác sĩ Quách Thị Kim Phúc, người điều trị cho bé chia sẻ:

'Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời và cứu sống người bệnh' - bác sĩ phân tích.

Bác sĩ khuyên người dân để ngừa bệnh cần mặc quần áo rộng vì muỗi có thể cắn qua quần áo bó sát, ngủ trong màn chống muỗi, kể cả ban ngày.

Ngoài ra, phải dọn dẹp, phát quang môi trường xung quanh thường xuyên, vì muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống trong các vũng nước đọng, bụi cây, góc tối…

- Các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết ở giai đoạn sốt:

Sốt cao đột ngột, liên tục.

Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

Da xung huyết.

Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Nghiệm pháp dây thắt dương tính.

Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!