Bắt đầu xuất hiện một số ổ dịch SXH
Nửa tháng trước, bà Đỗ Thị Minh (khu phố 6, phường Tân Quý, quận Tân Phú) bỗng dưng bị sốt. Nghĩ sốt thông thường, bà mua thuốc về uống nhưng cơn sốt không thuyên giảm. Đến Bệnh viện quận Tân Phú, bà Minh được xét nghiệm và các bác sĩ kết luận bà mắc SXH. Do biểu hiện bệnh không nặng nên bà Minh được chỉ định điều trị ngoại trú.
Đến nay, bà đã hoàn toàn khỏi bệnh. Kể từ khi mắc SXH, bà Minh bắt đầu ý thức đến việc phòng chống căn bệnh này nhiều hơn. Trước đây, bà từng từ chối cán bộ y tế đến nhà phun xịt muỗi do có cháu nhỏ, nhưng nay bà Minh chủ động báo Trạm Y tế phường để được xếp lịch phun hóa chất định kỳ. Các vận dụng chứa nước trong nhà như bình hoa, bể cá cũng được gia đình bà Minh thường xuyên dọn dẹp. Đây là một trong 7 trường hợp mắc SXH trên địa bàn phường Tân Quý từ đầu năm 2020 đến nay.
Bác sĩ Lâm Phước Trí, Trưởng trạm Y tế phường Tân Quý, cho biết, điểm chung của các ca bệnh SXH là những người dân lao động di chuyển nhiều nơi, vì vậy khó xác định được khu vực truyền bệnh. 'Mình tập trung cho dịch Covid-19 nhưng không lơ là công tác phòng chống SXH. Trong quá trình tuyên truyền về Covid-19, cán bộ y tế lồng ghép cả tuyên truyền bệnh SXH. Đặc biệt chú trọng vào tuyên truyền xóa các điểm nguy cơ trong khu dân cư', bác sĩ Trí chia sẻ.
Cán bộ y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú) kiểm tra lăng quăng tại các điểm nguy cơ. Ảnh: THÀNH AN
Còn theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), dù đây là thời điểm thấp nhất trong năm của dịch bệnh SXH nhưng đã có sự xuất hiện các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng (có 2 người mắc SXH trong cùng một khu phố). Điều đó cho thấy, nguy cơ dịch SXH bùng phát luôn hiện hữu và càng tăng dần lên khi mùa mưa đến.
Giám sát chặt các điểm nguy cơ
Tại một công trình xây dựng trên đường Cầu Xéo thuộc khu phố 4, phường Tân Quý, chị Nguyễn Thị Châu Sương, cán bộ phụ trách phòng chống dịch bệnh phường Tân Quý, hướng dẫn chủ thầu xây dựng tưới nhớt để diệt lăng quăng khu vực hầm chứa nước của công trình. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh SXH của Trạm Y tế phường Tân Quý.
Theo chị Sương, công trình xây dựng là một trong những điểm nguy cơ dễ phát sinh ổ dịch SXH bởi thường xuyên tồn tại hầm chứa nước, rãnh nước trong quá trình thi công. Để không phát sinh lăng quăng lại khu vực này, cán bộ y tế phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở.
Hiện phường Tân Quý có 89 điểm nguy cơ; có những điểm nguy cơ có thể xóa và bắt buộc phải xóa như bãi giữ xe, công trình xây dựng, vật chứa nước trong khu dân cư…, nhưng cũng có những điểm nguy cơ không thể xóa bỏ được như nhà thờ, chùa, trường học, các khu mộ tộc. Trong thời điểm dịch Covid-19, người dân có vẻ lơ là, không quan tâm lắm đối với dịch SXH; nhưng khi mùa mưa đến, nguy cơ SXH sẽ bùng lên, do đó cán bộ y tế phường đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên, nâng cao ý thức của người dân.
Cán bộ y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM) kiểm tra lăng quăng tại các điểm nguy cơ. Ảnh: THÀNH AN
Còn tại huyện Củ Chi, bác sĩ Hồ Thanh Phong, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - Trung tâm Y tế huyện Củ Chi, cho biết bãi tập trung phế liệu, công trình tôn giáo là những điểm nguy cơ khó xóa bỏ nhiều năm nay trên địa bàn. Cùng với các biện pháp tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, huyện cũng đang ra sức tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ điểm nguy cơ, ứng phó với dịch bệnh SXH đang chuẩn bị vào mùa.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, trên địa bàn TPHCM hiện có trên 10.000 điểm nguy cơ, đó là những nơi thường xuyên tập trung đông người, nhà trọ, công trình xây dựng, địa điểm tôn giáo… Để hạn chế bệnh SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã yêu cầu các quận huyện lên kế hoạch rà soát và xử lý các điểm nguy cơ trên địa bàn, thực hiện hoạt động truyền thông lồng ghép phòng chống SXH và Covid-19.
'Chiến lược kiểm soát điểm nguy cơ đã được TPHCM thực hiện 10 năm nay và đã phát huy những hiệu quả nhất định. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi kêu gọi mỗi người dân, mỗi gia đình tích cực xóa bỏ các điểm nguy cơ ngay chính trong gia đình của mình nhằm phòng, tránh bệnh SXH cho chính bản thân. Song song với cuộc chiến chống Covid-19, ngành y tế TPHCM kêu gọi người dân chủ động các biện pháp phòng ngừa, để không xảy ra tình trạng dịch chồng dịch', bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo.
Trong tuần qua, TPHCM ghi nhận có 121 người mắc SXH, tăng so với trung bình 4 tuần trước (116 ca). Mặc dù số ca mắc tích lũy từ đầu năm đến nay giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã xuất hiện 4 ổ dịch nhỏ, lẻ tại 4 phường xã thuộc 3/24 quận huyện. Hiện cả 4 ổ dịch đều đã được xử lý, vì số người mắc ít. Ngành y tế cũng thực hiện điều tra ca bệnh, xác định ổ dịch SXH hàng ngày để có chỉ định xử lý kịp thời và đúng hướng dẫn chuyên môn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!