Cảnh báo các bệnh dễ bùng phát dịp Tết Nguyên đán

Thời sự - 11/24/2024

Tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh mùa lễ hội và Tết Nguyên đán năm 2019 diễn ra cuối tuần qua, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, nhiều dịch bệnh dễ có nguy cơ bùng phát trong dịp Tết, như sởi, tay chân miệng, liên cầu khuẩn lợn hay cúm gia cầm động lực cao.

Không chủ quan với dịch bệnh mùa đông xuân

Ông Phu cho hay, trong dịp Tết và lễ hội 2019, điều kiện khí hậu đông xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi làm cơ thể con người giảm sức đề kháng, nên người yếu nhất là trẻ em không thích nghi kịp rất dễ nhiễm bệnh.

Hơn nữa, điều kiện thời tiết này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sởi, Rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy.

Cảnh báo các bệnh dễ bùng phát dịp Tết Nguyên đán

Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: TM

Riêng với bệnh sởi đang bùng phát dịch, Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết năm 2018, đặc biệt 3 tháng cuối năm có trên 9.700 người mắc sốt phát ban nghi sởi, số có xét nghiệm dương tính với bệnh sởi gần 2.000 ca. So với cùng kỳ 2017, số sốt phát ban nghi sởi cao gấp 21 lần, số có dương tính với bệnh sởi tăng 13 lần.

Trong các tuần đầu năm 2019, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân sởi cả người lớn và trẻ em ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam - vùng vốn không “truyền thống” của bệnh sởi như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM dịch cũng gia tăng mạnh. Trong số trẻ mắc bệnh, thống kê của Bộ Y tế cho thấy có trên 50% chưa tiêm chủng, gần 40% tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, có 10% các cháu tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa sởi.

Ông Phu cũng cảnh báo về bệnh liên cầu lợn, mặc dù chỉ ghi nhận rải rác, lẻ tẻ chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, nhưng tỷ lệ tử vong vì mắc liên cầu lợn rất cao.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, không mua bán, giết mổ lợn ốm hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. “Điều đáng nói, ngay cả lợn khỏe cũng có thể nhiễm khuẩn liên cầu lợn, do vậy tuyệt đối không ăn tiết canh lợn”, ông Phu nhấn mạnh.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, với những người mắc bệnh mạn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em. “Hơn nữa sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội 2019 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.

Quyết liệt nhiều biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh

Để phòng chống bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác phòng chống bệnh xâm nhập, bệnh lưu hành, phòng chống bệnh sởi, rà soát, đánh giá, xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh.

Bộ Y tế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Công tác giám sát cũng được tăng cường tại cộng đồng và cửa khẩu, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng.

“Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và sẵn sàng cung ứng thuốc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi. Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”- ông Phu cho biết thêm.

8 khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sởi của Bộ Y tế

1. Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc-xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sở. Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc-xin sởi cần được tiêm vắc-xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

2. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.

3. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi. Làm sạch đồ chơi bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

4. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.

5. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, phòng điều trị hàng ngày.

6. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh.

7. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

8. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!