Viêm tuyến nước bọt – Căn bệnh rất dễ bùng phát khi trời đột nhiên trở lạnh
Cuối tuần vừa rồi, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đi ra ngoài chơi giữa lúc có gió lạnh vào ban tối. Rất say mê với tiết trời se lạnh dễ chịu này, chị diện trang phục rất thời trang với áo sơ mi giấu quần, đi ra đường cũng không đeo khẩu trang tránh bụi. Khi trở về nhà vào lúc 23h đêm, chị cảm thấy lạnh run người nhưng nghĩ sau cơn lạnh ấy sẽ không có vấn đề gì.
Vào mùa lạnh, hãy cảnh giác với bệnh viêm tuyến nước bọt.
'Nào ngờ sáng hôm sau ngủ dậy, tôi thấy bên má phải hơi đau đau. Khi rửa mặt, dùng tay xoa bóp 2 bên má, má phải sưng lên thấy rõ và vô cùng đau đớn, ấn nhẹ bên má phải, khu vực sát trước tai, thì thấy có một cục u tròn tròn, càng ấn vào đó thì sẽ càng thấy đau nhức', chị Hoa kể.
Do không xác định được bệnh gì, lại có tâm lý hiện tượng tự biến mất sau vài ngày, chị Hoa chủ quan không đi thăm khám bác sĩ cũng không uống bất kì loại thuốc nào. Sáng hôm sau, chị Hoa tỉnh dậy đã thấy mặt mình lệch hẳn sang một bên, mắt bên phải bé chỉ bằng nửa mắt bên trái do cục u đau nhức hơn, kéo xệ mí mắt phải. Toàn bộ phần thái dương, đầu bên phải giật liên tục, đầu chị như 'căng ra', đồng thời nửa thân bên phải cũng có hiện tượng giật giật, khi nằm ngủ thấy rất rõ.
Bệnh viêm tuyến nước bọt là căn bệnh rất thường gặp ở tuyến nước bọt chính.
Đến lúc này chị Hoa mới chịu đi thăm khám bác sĩ trong tình trạng đau nửa người bên phải, chạy từ đầu xuống chân, mắt phải he hé, không nhìn thấy rõ và chảy nước mắt liên tục, má phải xệ hẳn xuống. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm tuyến nước bọt. Khi uống thuốc dành cho bệnh nhân viêm tuyến nước bọt, tình trạng của chị dần cải thiện.
Theo BS Đỗ Ngọc Đức (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương), bệnh viêm tuyến nước bọt là căn bệnh rất thường gặp ở tuyến nước bọt chính. Bệnh viêm tuyến nước bọt thường xảy ra khi trời trở lạnh, vào mùa đông, đông – xuân.
Tuyến nước bọt chính bao gồm tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi.
Những điều cần biết về bệnh viêm tuyến nước bọt – căn bệnh có thể gây ra biến chứng sỏi, áp xe nguy hiểm
Theo BS Đức, tuyến nước bọt chính bao gồm tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Bệnh lý tuyến nước bọt hay gặp ở tuyến mang tai, các tuyến còn lại ít gặp hơn. Nước bọt trong miệng là hỗn hợp của của 3 đôi tuyến nước bọt chính và các tuyến nước bọt phụ, có vai trò giữ độ ẩm miệng, giúp bạn nói, làm nhão thức ăn để dễ nhai dễ nuốt, hòa tan thức ăn và dẫn đến cảm nhận vị giác.
Khi bị viêm cấp tính tuyến nước bọt, người bệnh thường biểu hiện sưng, đau, thường thấy tổn thương ở cả hai bên. Nguyên nhân thường gặp nhất là do virus. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ em (virus quai bị và cytomegalo – virus). Nhiễm khuẩn cấp tính thường do tụ cầu vàng. Trên siêu âm, chúng ta sẽ thấy tuyến nước bọt phì đại, giảm âm, không đồng nhất, có thể thấy những nốt giảm âm nhỏ, hình oval, tăng dòng máu đến tuyến trên Doppler. Hạch bạch huyết phì đại với dòng máu tăng ở trung tâm.
Bệnh nhân bị viêm tuyến nước bọt có hơi thở không dễ chịu chút nào.
Tình trạng viêm tuyến nước bọt nặng nề dẫn đến hình thành sỏi tuyến nước bọt, áp xe. Áp xe diễn ra sau viêm cấp tính do sỏi thường biểu hiện sưng đau tuyến, tấy đỏ da bên ngoài. Siêu âm áp xe có biểu hiện là ổ trống âm hoặc giảm âm với tăng âm thành sau, ranh giới không rõ. Dịch hóa trung tâm có thể phân biệt được bởi vùng vô mạch hoặc có những mảnh di động bên trong. Các ổ tăng âm do những vi bọt khí bên trong. Tổ chức áp xe có thể được bao quanh bởi vòng giảm âm, có thể dẫn lưu dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
Viêm mạn tính, biểu hiên thường thấy điển hình là sưng tuyến cách hồi, đau. Trên siêu âm, chúng ta sẽ thấy kích thước tuyến thường bình thường hoặc nhỏ, giảm âm, không đồng nhất và thường không có tăng dòng máu trong tuyến trên siêu âm.
Tình trạng viêm tuyến nước bọt nặng nề dẫn đến hình thành sỏi tuyến nước bọt, áp xe.
Đôi khi trên siêu âm viêm mạn, viêm cấp tính tuyến nước bọt ở trẻ em cũng như viêm tuyến nước bọt dưới hàm không do sỏi ở người lớn cũng có biểu hiện là những nốt nhỏ giảm âm, hình tròn hoặc bầu dục phân bố toàn bộ nhu mô tuyến. Chẩn đoán phân biệt trong những trường hợp này rất khó khăn.
Viêm tuyến nước bọt xơ hóa mạn tính đôi khi tương tự tổn thương ác tính cả về lâm sàng lẫn hình ảnh. U Kuttner có hình ảnh nhiều ổ giảm âm nhỏ trên nền mô tuyến không đồng nhất. Lúc này, tốt nhất là bệnh nhân nên được chọc hút sinh thiết bằng kim nhỏ để chẩn đoán. Viêm mô hạt tuyến thường hiếm. Hình ảnh siêu âm không đặc hiệu, có thể thấy một hoặc nhiều vùng giảm âm trên nền mô tuyến có kích thước phì đại hoặc bình thường hoặc giảm âm lan tỏa. Trong viêm cấp hoặc mạn tính, hạch bạch huyết có thể phì đại, tuy nhiên cấu trúc âm bình thường với vùng vỏ đồng nhất, tăng âm vùng rốn hạch vẫn không thay đổi.
Viêm tuyến nước bọt xơ hóa mạn tính đôi khi tương tự tổn thương ác tính cả về lâm sàng lẫn hình ảnh.
Nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến nước bọt thường do vi khuẩn, virus, chấn thương, tia xạ và dị ứng. Thời tiết thay đổi lạnh đột ngột mà không được bảo vệ thân thể kỹ càng, sẵn sức đề kháng yếu, rất dễ bị viêm tuyến nước bọt cũng như những bệnh liên quan đến tuyến nước bọt.
Nếu viêm tuyến nước bọt là do vi khuẩn gây sốt, có mủ, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh và chọc hút mủ. Súc miệng bằng nước muối ấm, ngậm chanh tươi, uống nhiều nước với chanh để kích thích tiết nước bọt, giúp miệng sạch. Phẫu thuật có thể là cần thiết trong các trường hợp viêm tuyến nước bọt mãn tính hoặc tái phát liên tục. Tốt nhất bạn nên đến thăm khám bác sĩ chuyên ngành Tai – Mũi – Họng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến nước bọt.
Hiện nay không có cách phòng ngừa viêm tuyến nước bọt triệt để. Cách tốt nhất bạn có thể thực hiện hàng ngày chính là vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ mỗi ngày 2 lần, kết hợp dùng chỉ nha khoa, súc miệng bằng nước muối ấm, uống nhiều nước… Khi đi ra ngoài, nhất là khi thời tiết thay đổi cần được mặc đủ ấm, che chắn khẩu trang tránh bụi cẩn thận, tránh vi khuẩn virus xâm lấn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!