Nhiều lần dùng thuốc không khỏi, đi khám chị mới biết mình mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống mà biểu hiện ban đầu là đau mỏi chân tay.
Vì thiếu hiểu biết, chị Sửu đã để bệnh ngày càng diễn tiến nặng thêm do tự ý mua thuốc mà chưa được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh. Tình trạng như của chị Sửu không phải là hiếm, bởi thực tế ở các bệnh viện không hiếm các trường hợp bệnh nhân phải vào cấp cứu vì ngộc độc, dị ứng do tự ý sử dụng thuốc và điều này đã gây ra không ít tác hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Người dân hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn khám bệnh. Ảnh: Nguyễn Hồng
BS. Đồng Xuân Sắc - Trưởng khoa Nhi, BV Sản Nhi Bắc Giang cho biết, tại khoa cũng vừa tiếp nhận một trường hợp cháu bé 13 tháng tuổi ở phường Xương Giang (TP. Bắc Giang) vào cấp cứu do mẹ tự ý dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh cho con. Tại thời điểm nhập viện, cháu bé đã bị áp-xe phổi, suy hô hấp thể nặng. Chị Hà Thị Hồng Xiên - mẹ cháu bé cho biết, thấy con có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi chị đã không đưa cháu đến bác sĩ khám mà ra hiệu thuốc mua kháng sinh về điều trị cho con. Sau khi uống, tình trạng của cháu nặng hơn nên gia đình đưa vào cấp cứu. Khi được bác sĩ giải thích, gia đình rất lo lắng và ân hận vì cho con uống thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Theo BS. Sắc, trước tình trạng bệnh của cháu bé, các bác sĩ đã tập trung hội chẩn, điều trị tích cực, hiện sức khỏe của bé đã dần hồi phục.
Các bác sĩ cho biết, hiện nay, tình trạng tùy tiện dùng thuốc rất phổ biến. Người dân bị cảm sốt thông thường thường tự mách nhau mua thuốc hoặc ra hiệu thuốc kể triệu chứng rồi mặc nhiên mua về uống. Nhiều người coi kháng sinh là thuốc trị 'bách bệnh' nên cứ thấy ho, sốt, nhức đầu... nghĩ ngay đến việc dùng kháng sinh. Thậm chí, khi bị ốm còn sử dụng lại đơn thuốc do bác sĩ kê trước đó và chỉ đến khám tại các cơ sở y tế khi việc tự điều trị tại nhà không khỏi. Thực tế là tại các khoa cấp cứu, khoa nội tim mạch của các bệnh viện nhiều bệnh nhân là nạn nhân của tình trạng sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ, dùng lại đơn thuốc đã được kê từ những lần trước hoặc dùng lại đơn thuốc của người khác.
Tuy nhiên, việc lạm dụng tân dược không chỉ có nguyên nhân từ phía người bệnh thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe mà ngay cả các chủ nhà thuốc, quầy thuốc cũng vi phạm quy định bán thuốc trong danh mục bắt buộc kê đơn mà không có đơn của bác sĩ. Vì lợi nhuận và chiều lòng khách hàng nên khi thấy người mua kể sơ qua triệu chứng bệnh là nhân viên quầy thuốc đáp ứng các loại thuốc theo nhu cầu. Tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc mà người bệnh thường gặp là dị ứng, nguy cơ gây sốc phản vệ với diễn biến nhanh, có thể dẫn đến tử vong. Phản ứng của thuốc đối với cơ thể rất đa dạng tùy theo cơ địa mỗi người, có thuốc người này dùng không sao nhưng người khác dùng lại nguy hiểm. Đối với những bệnh lý phức tạp, việc tự ý dùng thuốc có thể làm che lấp triệu chứng nhưng bệnh vẫn phát triển dẫn đến khó chữa. Hiện nay, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang là thách thức toàn cầu mà nguyên nhân chính là do việc dùng kháng sinh bừa bãi và lạm dụng thuốc. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được tùy ý dùng thuốc mà không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
Thiết nghĩ, để nâng cao nhận thức đối với việc sử dụng thuốc của người dân, ngành y tế các địa phương nên tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng qua các chiến dịch truyền thông phổ biến cách thức sử dụng thuốc trong điều trị, thông tin về thuốc. Tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các bệnh viện, nhà thuốc, nhất là các cơ sở y tế ngoài công lập. Đặc biệt, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh không để xảy ra tình trạng bán thuốc 'mẹt' tại chợ quê. Yêu cầu người dân chỉ mua và sử dụng thuốc (trong danh mục bắt buộc phải theo đơn) khi được bác sĩ khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!