Cảnh báo:Bát tiết canh của lợn ốm khiến nhiều người nhập viện, 1 người tử vong

Điều cần biết - 11/24/2024

Sau khi ăn tiết canh của con lợn ốm, một nhóm người ở Lai Châu đã nhập viện điều trị, 2 người nặng và hiện một người hiện đã tử vong

Chiều ngày 4/1, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị 2 người đàn ông đến từ Lai Châu có triệu chứng bất thường sau khi ăn tiết canh lợn.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho hay, hai bệnh nhân P.P.H nam 32 tuổi và BN L.L. G 24 tuổi. Các bệnh nhân này vào viện trong tình trạng gầy, suy kiệt, đau dữ dội các cơ, không thể nuốt được, nói rất khó khăn. Riêng bệnh nhân P.P.H bị suy hô hấp, thở rất khó khăn vì đau và tim có những lúc loạn nhịp tim.

“Các bênh nhân đã được chẩn đoán nhiễm giun xoắn, điều trị theo phác đồ đặc hiệu và chăm sóc tích cực, hỗ trợ dinh dưỡng. Sau 2 ngày bệnh nhân P.P.H đột ngột xuất hiện ngừng tim và tử vong, còn bệnh nhân L.LG hiện đang được điều trị.

Tuy nhiên, bệnh nhân này hiện đang  đau họng đến mức không thể ăn uống, đến nước bọt cũng không thể nuốt được, thở cũng đau, cơ thể gầy suy kiệt sút gần 20kg trong vài ngày”- BS Nguyễn Trung Cấp thông tin

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước đó người dân ở Mù Cả (huyên Mường Tè, tỉnh Lai châu) có giết thịt 1 con lợn ốm và có làm tiết canh, chế biến đồ ăn từ thịt lợn sống (món lạp). Sau khi ăn khoảng 5 ngày, có 5-6 người xuất hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt, và đau dữ dội các cơ bắp. Những người nặng ngay cả khi thở, ho, nói chuyện hoặc nuốt cũng rất đau.

Cảnh báo:Bát tiết canh của lợn ốm khiến nhiều người nhập viện, 1 người tử vong

Bệnh nhân L.L.G hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiêt đới Trung ương

Các  bệnh nhân được điều trị 5 ngày tại bênh viện huyện sau đó chuyển ra bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu điều trị. Sau 1 tuần điều trị tại đây, 2 bệnh nhân P.P.H và L.L.G kể trên diễn biến quá nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, bình thường ổ nhiễm giun xoắn trong tự nhiên là các loài thú hoang dã như chuột, cáo, trăn…

Việc lây truyền giun xoắn có thể lây qua đường ăn uống: ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt (chủ yếu là thịt lợn) nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín kỹ. Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Tuy nhiên, nếu người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4-5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Trong thời gian khoảng 4-6 tuần, ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim và tới các tổ chức như tạo kén gây viêm và đau dữ dội.

“Nếu nhiễm ở thực quản bệnh nhân sẽ đau không nuốt được, nếu nhiễm ở cơ hoành, cơ hô hấp mỗi khi thở sẽ đau dữ dội còn nếu nhiễm nhiều vào cơ tim có thể gây loạn nhịp tim, thậm chí ngừng tim”- BS Cấp  cho biết

Trong khi đó, lượng kí sinh trùng rất nhiều, trong 1 gram thịt có thể vài trăm con, khi ăn vào ruột, nở ra đẻ hàng trăm ấu trùng và đây là lý do bệnh nhân thường đau dữ dội tất cả các vùng cơ do lượng ấu trùng rất nhiều.

“Do đó, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… vì đây là được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người. Khi lựa chọn thịt lợn, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết”- BS Cấp khuyến cáo.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!