Cấp thuốc quá hạn ở BV Nhi Trung ương: Sự cố hi hữu!

Thời sự - 11/24/2024

Bệnh viện Nhi Trung ương đang rà soát, xử lý sự cố cấp thuốc quá hạn cho bệnh nhân xảy ra một tuần trước.

Sáng 19-12, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương Lê Thanh Hải xác nhận đã họp với các cá nhân, bộ phận liên quan đến sự việc, bao gồm tất cả các khâu cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc.

Sự cố cấp phát thuốc quá hạn cho bệnh nhân 12 tháng tuổi nằm điều trị tại đơn nguyên S6, Khoa Quốc tế. Đánh giá ban đầu cho thấy việc cấp thuốc quá hạn xảy ra do điều dưỡng viên trực tiếp chưa thực hiện đầy đủ quy trình năm đúng, là sai về quy chế chuyên môn điều dưỡng.

Ngoài ra còn có trách nhiệm liên đới của điều dưỡng phụ trách và điều dưỡng hành chính đơn nguyên S6 khoa Quốc tế chưa tuân thủ đầy đủ quy trình quản lý thuốc tồn tại đơn vị mình.

Hội đồng kỷ luật BV Nhi Trung ương sẽ xem xét mức độ vi phạm và trách nhiệm để có quyết định kỷ luật phù hợp.

Cấp thuốc quá hạn ở BV Nhi Trung ương: Sự cố hi hữu!

Loại thuốc kháng sinh bị tố hết hạn. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Sự việc xảy ra ngày 10-12, khi anh Đỗ Bá Kỷ phát hiện gói thuốc kháng sinh Augmentin mà điều dưỡng cấp con mình bị quá hạn từ 27-11-2019. Cháu bé lúc đó đang điều trị nội trú Khoa Quốc tế với chẩn đoán viêm phổi. Anh Kỷ lập tức phản ánh với bác sĩ. Sự việc sau đó được báo chí đưa tin.

Trả lời PLO ngày 18-12, anh Kỷ cho biết sự việc đã được giải quyết ổn thỏa. Con anh đã lui bệnh và hôm nay có thể xuất viện. 

Tìm hiểu thêm về sự cố này, PLO đã trao đổi với trưởng khoa dược một BV. Vị này đánh giá đây là chuyện hi hữu bởi việc quản lý thuốc, nhất là thuốc nội viện rất chặt chẽ: 'Như Khoa Dược chúng tôi, thuốc phải được kiểm đếm định kỳ. Số thuốc lưu lại, hết hạn sử dụng phải lập biên bản, tiêu hủy. Đấy là việc thường xuyên cho dù có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của BV'.

Cũng theo vị này, việc theo dõi, quản lý nhập, xuất thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao được Bộ Y tế quy định rất chặt chẽ trong Thông tư 22 năm 2012.

Theo đó, việc nhập kho phải thông qua hội đồng kiểm nhập do giám đốc BV lập, gồm ít nhất năm thành viên: Trưởng khoa dược, trưởng phòng tài chính – kế toán, thủ kho, thống kê dược, cán bộ cung ứng. Khi nhập kho còn phải kiểm soát chất lượng định kỳ và đột xuất, tại nơi pha chế và nơi cấp phát. Quá trình cấp phát phải vào thẻ kho theo dõi hàng ngày.

Để bảo đảm chất lượng và hạn sử dụng, Thông tư 22 quy định việc cấp phát thuốc phải theo nguyên tắc thuốc nhập trước xuất trước, thuốc có hạn dùng ngắn hơn xuất trước. Chỉ được cấp phát các thuốc còn hạn sử dụng và đạt tiêu chuẩn chất lượng.

'Khả năng cao trong trường hợp ở BV Nhi Trung ương là thuốc để trong tủ thuốc trực cấp cứu đặt tại khoa không được kiểm tra kỹ. Tủ này ngoài thuốc cấp cứu còn có cả thuốc hay sử dụng, tiện cho ca trực.

Nhưng ngay cả như vậy thì vẫn còn rảo cản cuối phòng ngừa nhầm lẫn, sai sót, đó là quy trình năm đúng của Bộ Y tế. Theo đó, điều dưỡng khi nhận thuốc và đưa thuốc cho bệnh nhân phải kiểm tra lần cuối, đảm bảo đúng bệnh nhân, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian', vị này cho biết thêm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!