Cắt amidan: nên hay không?

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Chỉ cắt khi amidan sưng, đỏ, có mủ trên 4 lần/năm trong 2 năm liên tiếp.

Câu hỏi 1: Chào Bác sĩ trên SongKhoe.vn! Cháu năm nay 16 tuổi và cháu sắp đi cắt amidan, vậy Bác sĩ cho cháu hỏi đi cắt amidan xong có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không ạ? Xin cảm ơn Bác sĩ!

BS. Từ Tấn Tài, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, trả lời:

Chào cháu,

Viêm amidan là một dạng nhiễm trùng. Mỗi người sinh ra có 2 amidan nằm ở họng ngang với lưỡi gà có tác dụng bảo vệ vùng họng.

Khi amidan gây rắc rối nặng đến mức không chữa được bằng thuốc (trở nên gây hại), người ta có chỉ định cắt bỏ.

Cắt bỏ amidan phải rất cân nhắc, không phải thích cắt là cắt do giữ lại có lợi hơn.

Cắt amidan: nên hay không?

Ảnh minh họa

Chỉ cắt khi amidan sưng, đỏ, có mủ trên 4 lần/năm trong 2 năm liên tiếp; cắt khi được xác định là ổ chứa vi khuẩn liên cầu gây thấp khớp hở van tim; cắt khi amidan quá lớn gây chèn ép đường ăn đường thở gây ngủ ngáy hay ngưng thở khi ngủ; cắt khi amidan lớn 1 bên nghi ngờ ung thư và một số chỉ định đặc biệt để mở đường cho các phẫu thuật khác.

Trường hợp của cháu, tôi không biết lý do vì sao phải cắt amidan và có thuộc trong nhóm các bệnh cần cắt amidan kể trên hay không? Cháu đã khám bệnh ở đâu? Có mấy Bác sĩ tai mũi họng khám và nói cháu phải cắt rồi? Tôi nghĩ cháu nên khám thêm 1 vài Bác sĩ tai mũi họng khác và nghe lời khuyên của họ trước khi cắt A để tránh cắt A oan.

Chỉ khi phần lớn các Bác sĩ khám cho cháu khuyên cắt A thì có lẽ nên cắt. Bằng không thì hãy trì hoãn để tìm hiểu thêm. Nếu vẫn chưa cắt A, cháu nên mô tả xem cháu bị như thế nào.

Có sốt, đau họng không? Một năm trung bình bị đau họng mấy lần? Đã uống thuốc chữa viêm amidan ở đâu? Có ngủ ngáy không? Há miệng nói A…A trong gương có nhìn thấy 2 amidan 2 bên lưỡi gà lớn lồi vào cổ họng không? Khi có thêm các thông tin này, tôi sẽ tư vấn tiếp cháu nên hay không cắt A.

Cắt amidan gây mê bây giờ làm rất nhiều. Cháu nên yên tâm vì hiện nay thuốc gây mê rất tốt và có nhiều loại thuốc gây mê rất an toàn. Ảnh hưởng sức khỏe sau cắt A là có như do bị nuốt đau, khó ăn uống sau cắt A 1 tuần nên người sau cắt A thường bị sụt 1 vài cân. Sau 2 tuần vết cắt A lành, ăn uống trở lại bình thường thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.

Chúc cháu có quyết định sáng suốt cho sức khỏe của mình!

Câu hỏi 2: Chào Bác sĩ! Cháu năm nay 16 tuổi, là nữ giới. Cháu bị đau họng (amidan) từ nhỏ. Mỗi khi cháu đau họng là bị ốm, nghẹt mũi rồi ho. Sắp tới gia đình đem cháu đi cắt amidan, vậy theo Bác sĩ cháu có nên đi cắt không vì cháu thấy có người đi cắt về thì không nói được luôn. Mong Bác sĩ trả sớm nhất có thể cho cháu biết? Xin cảm ơn Bác sĩ!

Cắt amidan: nên hay không?

Ảnh minh họa

BS. Nguyễn Thị Vân, Bộ Y tế, trả lời:

Chào cháu,

Amidan là một tổ chức lympho tập trung lại thành đám nằm ở hai bên thành họng tạo thành một vòng bạch huyết Waldayer.

Về chức năng sinh lý, amidan đóng vai trò sinh miễn dịch có lợi cho cơ thể, tức là sẽ tạo ra kháng thể và các lympho bào giúp cho cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh đường hô hấp trên, đặc biệt là chống lại tác nhân gây nhiễm khuẩn (các vi sinh vật gây bệnh).

Các chỉ định cắt amidan bao gồm:

- Khi điều trị nội khoa (bằng thuốc) không hiệu quả: nếu cháu đã được điều trị tích cực, đúng phác đồ, dùng thuốc kháng sinh đúng liều lượng, đủ ngày mà amidan vẫn cứ bị viêm tái đi tái lại thì Bác sĩ sẽ có chỉ định cắt amidan.

- Khi amidan bị phì đại to ra gây tắc nghẽn đường thở và có thể gây nên hiện tượng ngừng thở khi trẻ ngủ, gây tím tái (do thiếu dưỡng khí). 

- Ảnh hưởng đến sức khỏe: viêm mãn tính tái đi tái lại nhiều lần (6-7 lần/năm), viêm cấp tính ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hoặc amidan to, có nhiều hốc mủ, xét nghiệm mủ có vi khuẩn liên cầu nhóm A kèm theo chỉ số phản ứng ASLO (antistreptolysin O) tăng cao trong máu có nguy cơ gây thấp khớp, biến chứng tim, hoặc viêm cầu thận cấp hoặc đã gây thấp tim tiến triển.

Ngoài ra còn một số biến chứng khác do viêm amidan gây ra như viêm phế quản nhiều lần, hen phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang hoặc có những trường hợp amidan chỉ quá phát không viêm nhưng gây cản trở đường thở cũng như ăn uống.

Đây là một phẫu thuật đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn. Hiện nay với các phương pháp mổ hiện đại như cắt amidan bằng dao điện, laser hoặc coblation, sau khi cắt có thể nói chuyện được ngay.

Tuy nhiên vẫn tránh những hoạt động thể lực như chạy chơi, bơi lội, đá bóng... Đồng thời sau phẫu thuật, cháu nên kiêng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Ăn các thức ăn lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau phẫu thuật.

Chúc cháu sức khỏe!

 

SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!