Cây hà thủ ô đỏ. Ảnh: thaoduocducthinh.
Việt Nam có 2 loại hà thủ ô là đỏ và trắng. Loại hay được dùng làm thuốc là hà thủ ô đỏ. Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, hà thủ ô đỏ tên khoa học là Fallopia multiflora (Thunb.) Haradson (Polygonum multiflorum Thunb.), thuộc họ rau răm Polugonaceae.
Đây là loài cây thảo leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Thân dài 5-7 m, mọc xoắn vào nhau, màu xanh tía, không lông. Rễ phình thành củ, ngoài nâu, trong đỏ. Lá mọc so le có cuống dài, phiến lá giống rau muống, có gốc hình tim hẹp, chóp nhọn dài, mép nguyên. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm nhiều chùy ở nách lá hay ở ngọn. Quả bế hình 3 cạnh, màu đen.
Hà thủ ô mọc hoang ở nơi râm mát, ven suối, khe núi đá, rừng cây bụi, trong thung lũng, chân núi cao từ 500 đến 1.600 m, phân bố nhiều ở Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Một số nước cũng có cây này như Trung Quốc, Nhật Bản.
Đông y sử dụng rễ củ để làm thuốc với tên gọi là hà thủ ô. Thu hoạch vào mùa đông khi cây đã tàn lụi. Lấy củ rửa sạch cắt bỏ rễ con, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ thành miếng phơi khô làm thuốc. Có thể dùng tươi, không chế biến hoặc nấu với đỗ đen. Thân cây cũng được sử dụng. Lá có thể dùng làm rau ăn, dây lá cũng có thể làm thuốc.
Hà thủ ô có vị đắng chát, hơi ngọt, tính bình, tác dụng bổ huyết giữ tinh, hòa khí huyết, bổ gan thận, mạnh gân xương, nhuận tràng. Có sách ghi: Rễ củ có vị đắng, hơi chát, tính mát, thân dây có vị ngọt, chát, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống, chỉ huyết, điều kinh bổ gan, ích thận, dưỡng huyết khư phong.
Người ta thường dùng hà thủ ô chữa thận suy, gan yếu, thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng, mỏi gối, di mộng tinh, khí hư, đại tiểu tiện ra máu, khô rát, táo bón, bệnh ngoài da. Uống lâu giúp làm đen râu, tóc đối với người bạc tóc sớm, cho tóc đỡ khô và giảm rụng.
Phân tích thành phần dược lý cho thấy củ hà thủ ô chứa 1,7% antraglucosid, trong đó có emodin, chuysophanol, rhein, physcion. Ngoài ra còn chứa lecithin, rhaponticin, 2,3,5,4’ tetrahydroxystibene-2-o-β-D-glucoside. Lúc chưa chế biến, hà thủ ô chứa 7,68% tannin, 0,25% dẫn chất anthraquinon tự do, 0,8058 % dẫn chất anthraquinon toàn phần. Sau khi chế biến còn 3,82 tanin, 0,1127 % dẫn chất anthraquinon toàn phần.
Nước sắc hà thủ ô giúp giảm lượng đường trong máu, có tác dụng tốt đối với các trường hợp suy nhược thần kinh và bệnh về thần kinh. Ngoài ra giúp tăng hoạt động của tim, sinh huyết dịch, tăng sự co bóp của ruột, tốt cho hệ tiêu hóa, chống viêm.
Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc tư cây hà thủ ô như sau:
- Người già xơ cứng mạch máu, huyết áp cao hoặc nam giới tinh yếu khó có con: Dùng hà thủ ô 20 g, tầm gửi dâu, kỳ tử, ngưu tất đều 16 g, sắc uống.
- Chứng cholesterol trong máu cao: Hà thủ ô tươi 900 g rang giòn, nghiền bột. Mỗi lần dùng lấy 15 g, uống với nước sôi để ấm. Ngày 2 lần. Liên tục 30 ngày.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!