Cha đẻ vắc-xin HPV nói về trường hợp tử vong sau khi tiêm

Sống khỏe mạnh - 05/04/2024

Mới đây, trên mạng xã hội có dấy lên thông tin về một số ca tử vong ở Mỹ sau khi tiêm vắc-xin HPV.

Bên lề hội nghị 'Y khoa và Khoa học Y tế Việt Nam - Australia 2016', phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có buổi trò chuyện với GS. Ian Frazer, người phát minh ra vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) về các bước tiến trong điều trị ung thư trên thế giới. GS. Ian Frazer đã chia sẻ ý kiến của ông về triển vọng của công nghệ ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư, phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, ứng dụng công nghệ tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư trên thế giới. Ngoài ra, ông còn cho biết, vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) an toàn tuyệt đối khi sử dụng.

PV: Xin Giáo sư có thể cho biết về những bước tiến trong điều trị ung thư trên thế giới?

GS. Ian Frazer: Có những bước đột phá trong việc điều trị ung thư. Chẳng hạn như một số loại thuốc mới sử dụng hệ miễn nhiễm của cơ thể để chống lại bệnh ung thư. Các loại thuốc này không độc, không trực tiếp giết chết tế bào ung thư mà giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư. Có những loại thuốc mới có thể chống lại sự lan tỏa của ung thư bằng cách tăng cường sức đề kháng của cơ thể giúp chống lại tế bào ung thư.

Cha đẻ vắc-xin HPV nói về trường hợp tử vong sau khi tiêm

Một loại vắc xin phòng vi-rút HPV (ảnh minh họa: Internet)

PV: Xin ông đánh giá về ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư và phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu theo phần trình bày của Viện Huyết học Truyền máu TW? Ứng dụng công nghệ tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư mà Đại học Y Hà Nội đã thuyết trình? Những công nghệ này sẽ góp phần kéo dài cuộc sống của người bệnh ra sao?

GS. Ian Frazer: Hầu hết các quốc gia đều ghi nhận phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu hỗ trợ điều trị ung thư, giúp tái tạo tế bào máu cho người bệnh trong quá trình hóa trị. Phương pháp này không quá khó để áp dụng nhưng hiện nó còn khá mới mẻ và tốn kém. Tuy nhiên đây là một khâu quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân. Ứng dụng tế bào gốc cho các mục đích xa hơn thế thì vẫn còn ở trong giai đoạn thử nghiệm, bởi vậy chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Chẳng hạn gần đây có một bác sĩ tại Australia đã dùng tế bào gốc để tạo ra thận mới cho chuột. Và rất có thể trong tương lai không xa chúng ta có thể làm điều tương tự với con người. Chẳng hạn bạn có thể dùng tế bào gốc của chính mình để tạo ra một quả thận mới trong trường hợp bạn bị suy thận.

PV: Xin ông cho biết vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) có an toàn khi sử dụng hay không? Mới đây, trên mạng xã hội có dấy lên thông tin về một số ca tử vong ở Mỹ sau khi tiêm vắc-xin HPV. Liệu đấy là do tiêm vắc-xin hay do thể trạng bệnh nhân hay nguyên nhân nào khác? Chúng ta có nên tiêm vắc-xin HPV hay không? Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin này ra sao?

GS. Ian Frazer: vắc-xin HPV an toàn. Cơ sở dữ liệu cho thấy vắc-xin HPV đã giúp tạo miễn nhiễm cho 100 triệu phụ nữ trên toàn thế giới. Và theo như tôi biết, trên thực tế không có trường hợp tử vong hay tai biến nghiêm trọng nào do tiêm vắc-xin. Có một số lời đồn trên mạng xã hội nhưng khi người ta điều tra ra thì hóa ra những lời đồn đại đều không đúng, hoặc là thông tin sai do sử dụng số liệu không đúng cách.

Khi thử nghiệm trên diện rộng, có một số trường hợp người đã được tiêm vắc-xin tử vong, nhưng những trường hợp này đều không liên quan gì đến vắc-xin, mà do những nguyên nhân khác. Chẳng hạn như bệnh nhân chết vì tai nạn giao thông, do bệnh ung thư hoặc những căn bệnh không liên quan khác. Các ca tử vong cũng xuất hiện trong nhóm đối tượng dùng giả dược. Không có sự khác biệt về điều này giữa nhóm dùng giả dược và nhóm được tiêm vắc-xin. Có những điều không hay đã xảy ra, nhưng vắc-xin không phải là nguyên nhân.

Cha đẻ vắc-xin HPV nói về trường hợp tử vong sau khi tiêm

GS. Ian Frazer - người tìm ra vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung

Tiêm vắc-xin vẫn là việc nên làm bởi nó giúp bảo vệ chúng ta trước căn bệnh ung thư cổ tử cung. Bản thân các cháu của tôi đều đã được tiêm vắc-xin này. Chúng ta hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của vắc-xin khi sử dụng.

Có hai điều cần lưu ý: Thứ nhất, chúng ta chỉ nên tiêm vắc-xin khi chưa bị nhiễm HPV, đó là lý do tại sao chúng ta tiêm cho người từ 12 tuổi. Nó chỉ có tác dụng bảo vệ khi chúng ta chưa bị nhiễm HPV, còn nếu nhiễm rồi thì không có tác dụng bảo vệ. Thứ hai, đó là vắc-xin này bảo vệ người bệnh trước khoảng 95% các nguy cơ gây ung thư cổ tử cung, có một tỷ lệ phần trăm nhỏ các chủng vi rút chưa được bao gồm trong vắc-xin, chúng ta cần nghiên cứu thêm một vài chủng vi rút nữa để đảm bảo giải quyết 100% nguy cơ.

PV: Một trong những nguyên nhân gây ra ung thư là độc tố từ môi trường. Gần đây, ở Việt Nam, vụ Formosa xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt tại ven biển miền trung Việt Nam. Xả thải ra biển sẽ gây tác động ra sao tới sức khỏe người dân? Theo ông, có thể làm gì để giảm thiểu tác động của nó? Australia có kinh nghiệm gì về vấn đề này hay không?

GS. Ian Frazer: Hiển nhiên là môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chúng ta. Chúng ta biết rằng khoảng một phần ba tổng số ca ung thư có nguyên nhân từ các vấn đề về môi trường. Các hóa chất xả thải ra môi trường cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ra các căn bệnh ung thư. Có rất nhiều ví dụ về các trường hợp đã xảy ra trong quá khứ chứng minh cho điều này. Tôi đã từng không dám ăn hải sản tại một vùng ở Australia nơi nguồn nước bị ô nhiễm do các nhà máy hai bên sông xả ra. Các kim loại nặng, thủy ngân cùng nhiều độc tố khác sau 40 năm vẫn còn lưu lại ở tầng đáy sông khiến cá ở đây nhiễm độc. Rất khó để loại bỏ tất cả các hóa chất độc hại ra khỏi môi trường sống, nhưng chúng ta cần nỗ lực càng nhiều càng tốt trên lĩnh vực này.

Khi nào nên bắt đầu tiêm vắc-xin HPV? (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)

Australia có những điều luật rất chặt chẽ về quản lý môi trường, chống ô nhiễm để ngăn chặn điều đó xảy ra. Nếu công ty nào vi phạm họ sẽ bị phạt rất nặng, với những hình phạt đủ để ngăn chặn họ tái phạm. Tôi nghĩ chúng ta cần nhận thức rất rõ rằng bất kỳ hình thức tác động đến môi trường nào làm thay đổi điều kiện tự nhiên của môi trường đều là có hại, và nó có thể làm gia tăng nguy cơ gây ra bệnh ung thư. Theo tôi, để giảm thiểu tác động của xả thải ra môi trường biển, trước khi các nhà máy đi vào hoạt động, chúng ta nên có cơ chế đánh giá tác động môi trường của nhà máy đó trước khi cấp phép. Cần có chế tài xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn hậu quả tác động lên môi trường.

>> Xem thêm: Cảnh báo lời đồn 'Không tiêm vắc-xin HPV vì sợ tác dụng phụ'

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!