Chăm sóc bệnh nhân sau khi ghép tế bào gốc

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Để một ca ghép thành công không dừng lại ở kỹ thuật ghép mà còn phụ thuộc quá trình theo dõi và tuân thủ một số quy trình điều trị.

Người vừa ghép tế bào gốc để chữa bệnh nên uống sữa bột hoặc sữa hộp đã qua tiệt trùng, không đi bơi hoặc ngâm lâu trong bồn tắm, không nuôi chim, súc vật, cây cảnh trong nhà nhằm hạn chế vi trùng.

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, cơ hội giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.

Hiện bệnh viện đã thực hiện ghép tế bào gốc trị các bệnh đa u tủy, lymphoma, bạch cầu cấp, bạch cầu mãn, suy tủy, loạn sinh tủy, thalassemia...

Để một ca ghép thành công không dừng lại ở kỹ thuật ghép mà còn phụ thuộc quá trình theo dõi và tuân thủ một số quy trình điều trị, chăm sóc tại bệnh viện cũng như khi về nhà.

Cử nhân Trần Thị Vân Khánh, Điều dưỡng trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM giúp bệnh nhân tự biết cách theo dõi, chăm sóc và phòng ngừa các nguy cơ nhiễm trùng để có thể hồi phục khỏe mạnh, như sau:

Tuân thủ trong việc dùng thuốc

- Uống thuốc theo toa, đúng liều, đúng giờ.

- Nếu quên cữ không tự ý tăng liều.

- Báo bác sĩ điều trị khi thấy dấu hiệu bất thường.

- Không tự ý ngưng thuốc vì tác dụng phụ hoặc nghĩ thấy mình đã khỏe.

- Sử dụng các loại thuốc ngoài toa tái khám phải xin ý kiến bác sĩ điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân sau khi ghép tế bào gốc

Hướng dẫn chăm sóc sau ghép tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM. Ảnh: V.K

Chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý

Người bệnh sau xuất viện về nhà thường tâm lý thoải mái nghĩ rằng mình khỏe nên không cần kiêng cữ và ăn uống tất cả thực phẩm mình thích và thèm. Điều này dẫn đến nguy cơ rối loạn tiêu hóa, dễ nhiễm trùng và tiêu chảy.

Nên sử dụng:

- Các loại thức ăn giàu dinh dưỡng có nguồn gốc rõ ràng.

- Các loại thức ăn phải được nấu chín kỹ.

- Nước uống đun sôi để nguội.

- Sữa bột hoặc sữa hộp đã qua tiệt trùng.

- Trái cây có vỏ dày (cam, chuối, quýt...)

Không nên sử dụng:

- Thức ăn mua ở vỉa hè hàng quán không đảm bảo hợp vệ sinh.

- Các loại thức ăn chỉ nấu chín tái, rau sống, đồ biển (dễ nhiễm khuẩn E.coli).

- Sữa tươi chưa qua tiệt trùng.

- Các loại bia rượu, nước uống có độ cồn.

- Trái cây vỏ mỏng, khó gọt rửa.

Vệ sinh, sinh hoạt cá nhân

- Tắm sạch hàng ngày bằng xà phòng dưỡng da nhẹ.

- Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm thoa nếu da bị khô.

- Nếu còn sang thương nhỏ ở miệng dùng Betadin pha loãng với nước hoặc nước muối sinh lý vệ sinh răng miệng. Không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn thương mại bởi sẽ gây khô và kích ứng miệng.

- Sử dụng kem đáng răng và bàn chải mềm vệ sinh răng miệng.

- Không sơn móng tay chân vì mùi sơn, aceton làm người bệnh dễ bị dị ứng, khó vệ sinh và theo dõi tình trạng móng.

- Đi lại trong khuôn viên nhà, vận động các cơ khớp nhẹ nhàng giúp tuần hoàn lưu thông, tránh yếu cơ.

- Không đi bơi hoặc ngâm lâu trong bồn tắm vì người bệnh còn ống sonde lưu trên người.

- Ra đường đeo khẩu trang, nón mũ, tránh tiếp xúc với nắng gắt ảnh hưởng đến da, nên thoa kem chống nắng.

Môi trường sinh hoạt

- Tránh đến những nơi đông người, nếu bắt buộc giao tiếp phải giữ khoảng cách an toàn hoặc xin phép đeo khẩu trang.

- Hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện sốt, ho, cảm cúm hắt hơi.

- Môi trường xung quanh phòng ở phải sạch sẽ, thoáng, lưu thông không khí.

- Không nuôi chim, súc vật, cây cảnh trong nhà nhằm hạn chế nguồn vi trùng.

- Chọn những vật dụng sử dụng dễ lau chùi vệ sinh, ít bám bụi.

Các vấn đề cần theo dõi:

- Theo dõi các dấu sinh hiệu huyết áp, nhiệt độ cơ thể.

- Tình trạng ăn uống: ngon miệng hay chán ăn, nôn ói, ợ hơi chua…

- Tình trạng tiêu tiểu như tiểu gắt, buốt, đỏ, màu sắc, số lượng nước tiểu; tình trạng táo bón, tiêu chảy, đau hậu môn, màu sắc phân…

- Tình trạng da niêm, đặc biệt là các thay đổi huyết sắc tố (da có sậm màu, ngứa, nổi bóng nước), xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc...

- Theo dõi tình trạng nhiễm trùng, khi thấy chân ống sonde sưng đỏ, đau, rơm lở, sốt trên 38 độ phải quay lại bệnh viện ngay.

Hỗ trợ về tâm lý

Hầu như tất cả bệnh nhân sau ghép tế bào gốc thường có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, cuộc sống và nhiều cảm xúc khác nhau. Có thể có biểu hiện trầm cảm, lo lắng, buồn rầu, mất ngủ. Cảm giác vô dụng, là gánh nặng gia đình, mặc cảm, tự ti, thiếu tự tin bản thân, tự cô lập mình với mọi người xung quanh.

Cần giúp người bệnh an tâm, tin tưởng, tinh thần thoải mái, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vui vẻ, cởi mở nói ra những lo lắng suy nghĩ của mình.

Các chế độ kiểm tra khi tái khám

Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ điều trị, để tiến trình điều trị liên tục và người bệnh hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.

Nên giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ điều trị, phòng chăm sóc khách hàng và khám ngay khi có các biểu hiện bất thường.

>> Xem thêm: Ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!