Chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Tỷ lệ mắc ở Việt Nam cũng cao (đứng hàng thứ 2 và 3), tỷ lệ sống 5 năm còn rất thấp.

Câu hỏi 1: Xin hỏi Bác sĩ bố tôi bị bệnh ung thư dạ dày thì nên uống thuốc gì để kéo dài tuổi thọ!

BS. Đặng Phương Liên, Bộ Y tế, trả lời:

Chào bạn!

Trong thư bạn không cho biết rõ bố bạn được chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn nào, đã có di căn hay chưa, đã điều trị gì và đáp ứng điều trị ra sao... nên rất khó tư vấn cụ thể. Khi bị ung thư, cũng như các bệnh nặng khác, muốn kéo dài tuổi thọ, cần điều trị chính căn bệnh đó.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày

Ảnh minh họa

Về điều trị ung thư dạ dày, có các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, sức khỏe bệnh nhân nói chung và các bệnh kèm theo, khả năng của thầy thuốc cũng như trang thiết bị của bệnh viện. Tuy nhiên, phẫu thuật là vũ khí chính trong điều trị ung thư dạ dày, kể cả ở giai đoạn sớm cũng như giai đoạn muộn. Phương pháp hóa trị và xạ trị được cân nhắc phối hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Ung thư dạ dày đứng hàng thứ 2 về nguyên nhân gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc ở Việt Nam cũng cao (đứng hàng thứ 2 và 3), tỷ lệ sống 5 năm còn rất thấp. Song nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị phẫu thuật và phối hợp hóa trị bổ trợ hợp lý sẽ nâng cao kết quả điều trị, kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân.

Bạn nên đưa bố đi khám chuyên khoa u bướu tại bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố nơi gia đình sinh sống, để được bác sĩ khám, đánh giá thực thể và có kế hoạch điều trị cụ thể. Không nên tự ý dùng thuốc bổ, thuốc nam... khi chưa có ý kiến của bác sĩ, tránh gây biến chứng làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Câu hỏi 2: Thưa Bác sĩ! Bố cháu bị khối u đầu tụy và u dạ dày đã mổ và điều trị bằng hóa chất. Hiện tại sức khỏe của bố cháu bình thường. Xin Bác sĩ cho cháu biết thời gian bố cháu sống được bao lâu và phải điều trị bằng hóa chất bao lâu? Khả năng khống chế được khối u nhiều không?

Chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày

Ảnh minh họa

BS. Đặng Phương Liên, Bộ Y tế, trả lời:

Chào bạn!

Trong thư, bạn không cho biết rõ chẩn đoán chính xác bệnh của bố bạn: ung thư nguyên phát ở cơ quan nào và đã có di căn đến đâu, phác đồ điều trị hóa chất gồm các thuốc gì và đáp ứng ra sao... nên rất khó tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, tôi xin cung cấp thông tin về bệnh ung thư của dạ dày và tuyến tụy để bạn tham khảo.

Ung thư tuyến tụy bắt đầu trong các mô của tuyến tụy - một cơ quan trong ổ bụng có chức năng tiết ra các enzym tiêu hóa và hormon giúp điều tiết sự trao đổi chất của đường. Ung thư tuyến tụy thường có tiên lượng xấu, ngay cả khi chẩn đoán sớm. Ung thư tuyến tụy thường lây lan nhanh và hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu của nó, là một lý do chính tại sao nó là một nguyên nhân tử vong hàng đầu ung thư.

Ung thư tuỵ trước tiên di căn đến các hạch bạch huyết quanh tuỵ. Tạng bị di căn xa thường nhất là gan, kế đến là phổi. Khối u cũng có thể xâm lấn vào các cơ quan nội tạng lân cận. Đối với khối u đã được phẫu thuật cắt bỏ, tỉ lệ sống 5 năm vào khoảng 15-20%, thời gian sống trung bình là 12-19 tháng.

Ung thư dạ dày đứng đầu trong các loại bệnh ung thư đường tiêu hóa. Đây là một bệnh ác tính xuất phát từ niêm mạc dạ dày, nguyên nhân chưa rõ ràng, tiến triển nhanh, chẩn đoán sớm khó khăn, hay đi theo đường hệ thống bạch mạch để di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

Ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng các phương pháp:phẫu thuật, hóa trị liệu và tia xạ. Ung thư dạ dày cũng là bệnh có tiên lượng xấu, tỉ lệ sống trên 5 năm dưới 40%. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào thể bệnh, vị trí ung thư, tổn thương xâm lấn theo chiều sâu, xâm nhập vào hạch... Nếu bố bạn bị ung thư dạ dày và u đầu tụy, tiên lượng khá dè dặt. Bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị của bố bạn để có thông tin cụ thể về tình hình bệnh của ông.

Chúc bạn sức khỏe!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!