Mẹ bầu cần phải được phát hiện các yếu tố nguy cơ, tính tuổi thai, dự kiến ngày sinh, định nơi sinh, hướng dẫn sản phụ vệ sinh thai nghén và nghỉ ngơi trước sinh tránh tai biến cho mẹ và con.
Khám thai
Ở nước ta hiện nay Bộ Y tế quy định trong một kỳ thai nghén bình thường tối thiểu phải khám cho bà mẹ 3 lần.
Lần khám thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu nhằm mục đích: Xác định đúng có thai; phát hiện các bệnh lý của người mẹ.
Lần khám thứ 2 vào 3 tháng giữa để xem thai có phát triển bình thường không; cơ thể người mẹ có thích nghi tốt với thai nghén hay không và tiêm phòng uốn ván mũi thứ nhất.
Bà mẹ mang thai cần khám ít nhất 3 lần trong quá trình thai nghén
Lần khám thứ 3 vào 3 tháng cuối để xem thai có thuận không, phát triển có bình thường không; bà mẹ có nguy cơ gì do thai nghén 3 tháng cuối gây ra không; tiêm mũi uốn ván thứ hai; dự kiến ngày sinh và quyết định để người mẹ đẻ tại tuyến cơ sở hay chuyển tuyến.
Ngoài ba lần khám theo quy định kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường như đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt… để phát hiện những trường hợp thai nghén nguy cơ cao, thai nghén bất thường để chuyển tuyến kịp thời.
Trong trường hợp có chỉ định thì cần sàng lọc để phát hiện đái tháo đường trong thời kỳ có thai ở tuần thai thứ 24 nếu có những yếu tố nguy cơ (béo phì, tiền sử gia đình); nhiễm độc thai nghén…
Khám thai và lập phiếu theo dõi thai là biện pháp đảm bảo cho người phụ nữ có một kỳ thai nghén và sinh đẻ an toàn cho cả mẹ và con.
Chăm sóc thai nghén
Thai nghén là một hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ. Trong khi có thai sức đề kháng của người phụ nữ bị giảm sút, vì thế rất dễ bị nhiễm khuẩn, các bệnh lý mạn tính dễ tái phát và nặng lên khi có thai. Chăm sóc thai nghén đóng một vai trò quan trọng việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Vệ sinh cá nhân
Nên tắm rửa hàng ngày, mùa đông nên tắm nước ấm, không nên ngâm mình trong nước bẩn, tránh viêm nhiễm đường sinh dục, chú ý vệ sinh âm hộ. Nên lau rửa đầu vú mỗi ngày, nếu đầu vú lõm vào trong có thể dùng dầu vaselin thoa và kéo núm vú ra ngoài. Nên mặc quần áo rộng rãi, mềm mại thoáng mát. Mùa đông phải mặc đủ ấm, không đi giày dép cao gót. Tránh tiếp xúc với người bị ốm, đặc biệt là người mắc các bệnh truyền nhiễm như lao, cảm cúm…
Chế độ dinh dưỡng
Mẹ bầu phải đặc biệt lưu ý đến chế độ dinh dưỡng
Không có một chế độ ăn chuẩn cho phụ nữ khi mang thai, bởi với mỗi người thiếu cân hoặc thừa cân cần có một chế độ dinh dưỡng khác nhau. Với phụ nữ thiếu cân cần tăng cân, và những phụ nữ thừa cân so với các chỉ số ở người phụ nữ cân nặng bình thường cần giảm cân. Đối với phụ nữ có chế độ ăn phù hợp trước khi mang thai, chỉ cần tăng cường 300kcal mỗi ngày trong giai đoạn mang thai.
A-xít folic: Thông thường những phụ nữ có khả năng có thai nên tiêu thụ ít nhất 0,4mg a-xít folic/ngày từ bữa ăn thường hoặc thức ăn bổ sung. Những bà mẹ có tiền sử thai nghén bị ảnh hưởng bởi những dị tật ống thần kinh cần bổ sung 4 mg a-xít folic trong 1 tháng trước khi có thai và tiếp tục trong suốt 3 tháng đầu của quá trình mang thai.
Sử dụng các loại vitamin tổng hợp:Việc sử dụng vitamin tổng hợp hàng ngày hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau, mặc dù cho tới nay hầu như chưa có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng này có thể gây nguy cơ nghiêm trọng cho người dùng. Các bà mẹ nên tránh sử dụng liều lượng vitamin cao hơn mức cho phép trong quá trình mang thai. Riêng việc sử dụng vitamin A với liều cao (trên 15.000 IU/ngày) có liên quan tới việc tăng nguy cơ gây các dị dạng cho thai nhi.
Năng lượng (calo) đưa vào cơ thể:Tổng năng lượng đưa vào cơ thể là một yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới cân nặng khi sinh. Phụ nữ khi mang thai cần bổ sung thêm 300kcal/ngày.
Protein: Ước lượng nhu cầu protein hàng ngày đối với phụ nữ trong khi mang thai là 60g. Những nguồn protein có lợi bao gồm protein thực vật, thịt nạc (gà, cá) và các thực phẩm ít chất béo.
Các a-xít béo:Các a-xít béo thuộc nhóm omega-3 có trong các củ, quả, cá nhiều chất béo, và một số dầu thực vật (ví dụ: dầu đậu nành) góp phần tăng cường sự phát triển thần kinh và thị giác ở thai nhi và có thể giúp phòng nguy cơ đẻ non cũng như trẻ thiếu cân khi sinh.
Các a-xít béo đồng phân dạng trans (trans fatty acids) có trong các sản phẩm nướng, bơ thực vật, dầu mỡ có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch ở người lớn và có thể giảm cân trẻ sơ sinh cũng như vòng đầu của trẻ. Vì vậy nên tránh dùng những thực phẩm này.
Natri:Không nên hạn chế trong quá trình mang thai, tuy nhiên việc dùng quá liều lượng cho phép cũng nên tránh, chủ yếu qua việc tránh dùng nhiều các thức ăn đã được chế biến.
Sắt: Quá trình loãng máu sinh lý trong quá trình mang thai giảm nồng độ hemoglobin. Theo khuyến cáo của Viện Y học, tất cả các phụ nữ khi mang thai cần bổ sung 30 mg sắt hàng ngày trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén. Nếu phát hiện thiếu máu thiếu sắt, người phụ nữ cần bổ sung 60-120 mg sắt hàng ngày. Những phụ nữ đang sử dụng sắt với liều điều trị cũng cần bổ sung vào thức ăn hàng ngày 15mg kẽm và 2mg đồng. Những thức ăn giàu chất sắt bao gồm các loại thịt gà, cá, cây họ đậu, rau xanh có lá, và bánh mỳ hạt hoặc ngũ cốc.
Tập luyện nhẹ nhàng giúp mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh
Canxi: Lượng canxi cần cho phụ nữ có thai thuộc nhóm tuổi 19-50 là 1000mg can-xi/ngày và 1300 mg/ngày cho nhóm phụ nữ có thai dưới 18 tuổi. Việc bổ sung này có thể được thực hiện thông qua một số chế độ ăn nhất định, trong khi một số chế độ ăn khác cần phải bổ sung thêm. Những thức ăn giàu canxi bao gồm cá hộp có xương, các hạt thuộc họ vừng, đậu phụ và các thức ăn hàng ngày khác.
Thuốc:Nên hạn chế tối đa việc dùng thuốc vì phần lớn đều chuyển sang thai nhi qua nhau thai. Nếu cần dùng phải có ý kiến của bác sĩ. Tiêm phòng uốn ván 2 mũi cách nhau 4 tuần và mũi cuối cùng cách ngày sinh dự đoán 4 tuần.
Vận động và nghỉ ngơi: Phụ nữ mang thai bình thường không cần phải từ bỏ công việc. Họ có thể lao động bình thường hàng ngày, trừ trường hợp dọa đẻ non. Không có bằng chứng nào cho thấy việc lao động thể chất làm tăng nguy cơ sẩy thai trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén. Tuy nhiên, cần lao động phù hợp với sức khỏe, tránh lao động nặng, quá sức. Không nên đi xa (nhất là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối) dù với phương tiện gì. Có thể tập thể dục nhẹ nhàng, tập thở sâu, đi bộ; giữ cuộc sống thoải mái về tinh thần, chuẩn bị tâm lý cho cuộc đẻ.
Sinh hoạt tình dục: Phụ nữ khi có thai cần được tư vấn rõ ràng sinh hoạt tình dục không hề gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai. Trường hợp rau tiền đạo, hoặc có tiền sử đẻ non nên tránh quan hệ tình dục.
>> Xem thêm: Những vắc-xin cần tiêm chủng trước khi mang thai
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!