Chẩn bệnh qua khí hư

Sức khỏe giới tính - 05/06/2024

Khí hư có màu trắng, xám như bột với mùi tanh hôi kèm theo ngứa, rát thường là do nấm.

Bình thường ở bộ phận sinh dục của người phụ nữ vẫn có tiết ít dịch, để bôi trơn khi quan hệ tình dục và để bảo vệ niêm mạc, phòng các bệnh viêm nhiễm. Tuy nhiên, khi số lượng chất nhầy này nhiều hơn và kèm các triệu chứng gây khó chịu như: ngứa, có mùi hôi, thậm chí có bọt hoặc sau khi 'khô' đi để lại một mảng trắng bám vào bên trong bộ phận sinh dục, thì lúc đó bạn cần phải đi khám bệnh.

Để hiểu rõ hơn về các bệnh liên quan đến huyết trắng, ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế sẽ chia sẻ và giải đáp một số thắc mắc của chị em về các vấn đề liên quan:

Câu hỏi 1:

Em năm nay 22 tuổi. Cả tuần nay em có hiện tượng huyết trắng đổi màu thành màu giống như màu của ngày kinh đầu, màu đen đen là sao vậy ạ. Có phải em mắc bệnh gì rồi không. Mong bác sĩ tư vấn.

Chẩn bệnh qua khí hư

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào em,

Không biết em đã lập gia đình chưa, hiện tượng huyết trắng (khí hư) đổi màu và số lượng có nhiều không, có mùi không, có kèm theo dấu hiệu khác như: ngứa, đau không.? Tuy nhiên, dựa vào những dấu hiệu mô tả có thể em bị viêm sinh dục (bao gồm nhiều bệnh của bộ phận sinh dục). Nguyên nhân gây viêm sinh dục có thể do vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, nấm…

Dựa vào tính chất của khí hư, người ta có thể nghĩ nhiều đến các bệnh khác nhau như:

- Khí hư có màu vàng, đặc như mủ có lúc kèm theo máu, dạng bọt, mùi tanh với số lượng quá nhiều cùng với triệu chứng đau, rát, ngứa thì thường do trùng roi (trichomonas vaginalis) gây nên.

- Khí hư có màu trắng, xám như bột với mùi tanh hôi kèm theo ngứa, rát thường là do nấm (candida albicans).

- Khí hư có màu vàng hoặc vàng xanh đục hoặc như mủ có mùi tanh hôi thường do vi khuẩn gây ra (staphylocoque, klebsiella, proteus, lậu, giang mai…).

- Khí hư kèm theo máu thường gặp ở bệnh nhân bị viêm loét cổ tử cung, u xơ dưới niêm mạc, polyp cổ tử cung, ung thư cổ tử cung…

Để chẩn đoán chính xác bệnh, ngoài triệu chứng, bệnh nhân còn phải được thăm khám và xét nghiệm… Điều trị bệnh dựa theo nguyên nhân mà có phương pháp phù hợp.

Theo tôi, em nên đi khám chuyên khoa sản phụ để được khám, tư vấn, chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp.

Chúc em mau khỏi bệnh!

Câu hỏi 2:

Chào bác sĩ! Tôi năm nay 33 tuổi đã có gia đình và 2 con. Tôi có đặt vòng được 7 năm, trước khi có kinh cửa mình ra máu màu nâu đen khoảng 1 ngày, sau đó có màu đỏ 3 ngày và màu nâu đen khoảng 2 ngày nữa. Hết kinh khoảng 10 -14 ngày thì thấy huyết trắng ra lỏng, lúc mới ra có màu nâu dần dần trong và lỏng như nước, không mùi, cơ thể bình thường không đau gì. Không biết như vậy có phải bệnh không? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. Cảm ơn bác sĩ!

Chẩn bệnh qua khí hư

Ảnh minh họa

Trả lời

Chào bạn,

Đặt vòng tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả. Mỗi loại vòng, nhà sản xuất có đưa ra thời hạn sử dụng nhất định (chẳng hạn, hiện nay có những loại vòng hạn dùng 5 năm, 8 năm, 10 năm). Những chị em đặt vòng tránh thai nếu để quá lâu so với thời hạn quy định sẽ có những nguy cơ như: vòng gãy và xuyên thủng cơ tử cung; nguy cơ 'dính' thai, vì hiệu quả tránh thai của vòng hết hạn sẽ giảm đi hoặc không còn. 

Với những người đã đặt vòng tránh thai, chỉ định tháo vòng ra ngay khi chảy máu nhiều, đau bụng dưới nhiều, viêm nhiễm vùng chậu. Những trường hợp khác cần tháo vòng như muốn có thai lại, áp dụng biện pháp tránh thai khác, vòng tránh thai đã hết hạn sử dụng, có thai trong lúc mang vòng tránh thai ở tử cung …

Những biểu hiện bạn mô tả thì bạn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, vì bạn đã đặt vòng 7 năm và bạn không nói rõ hạn dùng của vòng (khi đặt vòng bác sĩ thông báo thời điểm phải tháo vòng khi hết hạn) nên theo tôi tốt nhất là bạn nên đi khám sản phụ khoa để bác sĩ biết được tình trạng vòng của bạn và tháo ra nếu đã hết hạn.

Chúc bạn sức khỏe!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!