Chẩn đoán hình ảnh có nguy cơ nhiễm phóng xạ không?

Các bệnh - 11/24/2024

Tôi bị chấn thương ở đầu gối và phải chụp cộng hưởng từ. Hôm đó tôi phải chụp rất lâu và chụp lại nhiều lần do bác sĩ nói máy trục trặc nên hình ảnh không rõ. Không hiểu tôi chụp thời gian lâu như vậy có bị ảnh hưởng gì không? Nghe nói nhiễm phóng xạ có thể bị ung thư.

Nguyễn Thu Hương (Hải Phòng)

Trước hết, bạn có thể yên tâm khi chụp cộng hưởng từ MRI và siêu âm vì bạn không tiếp xúc với bức xạ. Hơn nữa, vì bức xạ có thể làm tăng nguy cơ ung thư nên các thăm khám chẩn đoán hình ảnh sử dụng bức xạ chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết với lý do chính đáng và được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, nguy cơ gia tăng ung thư bởi bức xạ từ các thăm khám chẩn đoán hình ảnh là rất nhỏ. Phóng xạ ảnh hưởng đến con người như thế nào phụ thuộc vào các yếu tố sau đây: Loại thăm khám được thực hiện; Phần diện tích cơ thể bị phơi nhiễm; Chiều cao và cân nặng của người bệnh; Tuổi tác và giới tính; Một số yếu tố khác.

Mặt khác, rất khó để xác định mức độ phơi nhiễm phóng xạ từ các thăm khám này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư của một người. Hầu hết các nghiên cứu về nguy cơ phóng xạ và ung thư chỉ xem xét trên những người tiếp xúc với liều phóng xạ rất cao, chẳng hạn như công nhân khai thác uranium và người bị ảnh hưởng bởi bom nguyên tử. Nếu tiếp xúc với phóng xạ ở mức độ thấp thì rất khó để nghiên cứu tính toán và đưa ra kết luận.

Tuy nhiên, khi chụp Xquang, chụp CT scanner hoặc PET/CT là cách tốt nhất để tìm ra căn bệnh thì rủi ro ảnh hưởng từ phóng xạ là không đáng kể so với lợi ích của kết quả thăm khám mang lại.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!