Về mùa đông, việc ăn uống bồi bổ cơ thể một cách khoa học rất quan trọng bởi lẽ để giữ ấm trong điều kiện tiết trời lạnh giá thì hoạt động của các tạng phủ sẽ phải có những thay đổi cho phù hợp nhằm mục đích gia tăng nhiệt bên trong, giảm thiểu sự tỏa nhiệt ra ngoài.
Đông y cho rằng, dưỡng sinh ăn uống mùa đông là “dưỡng thận chống lạnh”. Món ăn dưỡng sinh phù hợp nhất cho mùa đông là cháo nóng. Ăn cháo nóng thường xuyên sẽ tăng cường nhiệt lượng và dưỡng chất cho cơ thể giúp bạn nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật phát sinh.
Cháo hạt dẻ
Hạt dẻ bỏ vỏ 100g, gạo tẻ 150g, hai thứ đem hầm nhừ, thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: ôn bổ thận dương, kiện tỳ ích vị, tăng cường nhiệt lượng và nâng cao sức đề kháng chống lạnh cho cơ thể.
Cháo thịt dê
Thịt dê 200g rửa sạch, thái miếng nhỏ đem luộc với một củ cải cho hết vị gây, sau đó bỏ hết củ cải ra rồi cho 150g gạo vào hầm nhừ thành cháo, thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: làm ấm tỳ vị, bổ ích khí huyết, phù hợp với người cao tuổi trong những ngày đông giá lạnh.
Cháo xa tiền tử
Xa tiền tử (hạt mã đề) 15g, gạo tẻ 100g. Dùng vải bọc xa tiền cho vào nồi, cùng với 500ml nước nấu còn 300ml, bỏ túi thuốc, cho gạo đãi sạch vào thêm nước vừa đủ nấu thành cháo loãng. Ngày 2 lần, ăn nóng. Công dụng ích thận cố tinh, dùng cho người viêm khí phế quản mạn tính, tăng huyết áp, bệnh đường tiết niệu.
Cháo hẹ
Gạo tẻ 150g đem nấu thành cháo rồi cho 100g rau hẹ đã thái nhỏ thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: ôn bổ tỳ và thận dương, đặc biệt thích hợp với những người dương khí hư suy, lưng gối đau, lạnh và đau.
Cháo ngân nhĩ, kỷ tử
Mộc nhĩ trắng 20g rửa sạch cắt nhỏ, kỷ tử 30g, gạo tẻ 100g. Tất cả đem hầm mềm, thêm đường phèn, ăn nóng. Công dụng: bồi bổ can thận, hoạt huyết thông khí, dưỡng âm sinh tân, đặc biệt thích hợp với những người mắc các bệnh đường hô hấp, da dẻ hay bị nứt nẻ vào mùa đông.
Cháo tôm
Gạo tẻ 150g, thịt tôm 50g. Gạo tẻ ninh nhừ, cho tôm vào, thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng bổ thận, tráng dương, làm ấm cơ thể, thích hợp với những người thể chất dương hư, biểu hiện sợ lạnh, nhức đầu, hoa mắt, đau lưng mỏi gối, suy giảm tình dục.
Cháo gừng tươi, sơn trà
Lá sơn trà 15g, gừng tươi 15g, gạo lức 100g, dầu ăn, muối vừa đủ. Gừng tươi cắt lát, gạo lức đãi sạch cho cùng lá sơn trà với nước vừa đủ đun sôi, sau nhỏ lửa nấu cháo, khi chín cho dầu ăn, muối vừa đủ là được. Ngày 1 bát, chia ăn vài lần. Công dụng: nâng cao sức đề kháng phòng chống bệnh do tiết trời lạnh, đặc biệt với người bệnh viêm phế quản mạn tính.
Theo SK&ĐS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!