Chất cấm ngoài vòng kiểm soát: Ai chịu trách nhiệm?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Theo TS Vũ Thành Tự Anh,muốn kiểm soát chất cấm hiệu quả phải ngăn chặn từ nguồn, mà hành động này lại động chạm tới các cơ quan nhà nước.

Vì vậy, việc tăng hình phạt hành vi sử dụng chất cấm tuy cần thiết song chưa đủ, vì chính các cơ quan của nhà nước mới là người phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng các chất cấm này được lưu hành ngoài vòng kiểm soát.

Theo số liệu được nếu trên các báo, lượng chất cấm Clenbuterol và Salbutamol ở Việt Nam hiện nay có thể lên tới hàng chục tấn. Nếu số liệu này là đúng, và nếu lượng chất cấm này được sử dụng hết thì sẽ có hàng triệu con lợn phải ăn và hàng chục triệu lượt người ăn phải chất độc này.

Chất cấm ngoài vòng kiểm soát: Ai chịu trách nhiệm?

Cán bộ Chi cục Thú y TP HCM lấy mẫu nước tiểu heo tại một lò mổ để xét nghiệm tồn dư chất cấm. Nhiều lô heo từ các tỉnh nhập về TP HCM được phát hiện chứa chất cấm với hàm lượng tồn dư rất cao. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) lần đầu tiên đưa hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào khung xử lý hình sự thay vì xử phạt hành chính như trước.

Tuy nhiên, theo Ðiều 317 của Bộ Luật này thì tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ áp dụng cho những người sử dụng chất cấm hay biết rõ thực phẩm mình bán có chất cấm, chứ không hề đề cập tới những người cho phép hay cố ý nhập khẩu các chất cấm mặc dù biết chất cấm này sẽ được sử dụng sai mục đích, hoặc những công ty được phép nhập những chất cấm này nhưng lại tuồn ra ngoài thị trường chợ đen.

Chúng ta biết để chống ô nhiễm hiệu quả và ít tốn kém nhất thì phải chống ngay tại nguồn. Tương tự như vậy, để chống việc chất cấm bị sử dụng trong chăn nuôi, tốt nhất là chống ngay từ khâu nhập khẩu - vì bản thân các loại thuốc này thuộc nhóm phải có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, còn nhập lậu thì hiển nhiên là vi phạm pháp luật.

Chứ với cấu trúc chuỗi sản xuất thức ăn - chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ có tính chia cắt và manh mún như hiện nay, chỉ nội việc phát hiện thôi chứ chưa nói đến quy kết trách nhiệm sẽ hết sức tốn kém.

Vừa rồi tôi có dịp đi khảo sát về hoạt động sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL, gặp một cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói rằng hiện nay có khoảng 4.000 loại thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật khác nhau trên thị trường, trong đó rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc và hơn 80% là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Với số lượng thuốc như thế này, một khi đã tỏa ra hàng ngàn đại lý và đến tay hàng triệu nông dân thì việc kiểm soát đối với những loại thuốc bị cấm là hoàn toàn vô vọng.

TS Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!