Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em học đường

Điều cần biết - 11/24/2024

Chế độ dinh dưỡng quyết định sự phát triển thể lực, trí lực, tầm vóc và khả năng học tập của trẻ. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối của trẻ là ăn đủ các nhóm thực phẩm, ăn đa dạng, các chất dinh dưỡng ở tỉ lệ cân đối và hợp lý trong từng bữa ăn, từng ngày.

Chế độ dinh dưỡng đúng, đủ, hợp lý sẽ giúp cơ thể phát triển tối ưu cả về thể chất và tinh thần. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng không đủ, không đúng, không hợp lý sẽ mất tính cân đối các chất dinh dưỡng dẫn tới các bệnh thiếu - thừa dinh dưỡng, các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng và các bệnh mạn tính không lây…

Nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày tùy theo tuổi, giới tính, hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý… Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ của trẻ là ăn đủ 4 nhóm thực phẩm, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỉ lệ cân đối và hợp lý trong từng bữa ăn, từng ngày. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho các nhóm tuổi, thậm chí là mỗi cá thể cũng sẽ khác nhau (ví dụ trẻ cùng tuổi, nhưng khác nhau về giới tính, về hoạt động thể lực… thì nhu cầu khác nhau).

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em học đường

Nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày cơ bản

Nhu cầu về năng lượng: nhu cầu về năng lượng là điểm quan trọng hàng đầu trong khẩu phần ăn, khi đủ nhu cầu năng lượng tức là đảm bảo cho trẻ được ăn no, khi đã ăn no thì mới quan tâm đến tính cân đối của khẩu phần. Tổng số năng lượng trong khẩu phần là tổng cộng năng lượng do các chất gluxit, protein và lipid cung cấp thông qua bữa ăn hàng ngày của trẻ. Lứa tuổi khác nhau thì nhu cầu về năng lượng cũng sẽ khác nhau và tất yếu là nhu cầu khác nhau về các chất dinh dưỡng như: glucid, protein, lipid… thậm chí là vitamin, khoáng chất.

Bữa ăn của trẻ hàng ngày cần đầy đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý từ 4 nhóm thực phẩm: nhóm bột đường, nhóm đạm, nhóm lipid, nhóm vitamin và muối khoáng. Khẩu phần ăn phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng như: phần trăm năng lượng do các chất (gluxit, đạm, lipid) cung cấp/tổng năng lượng khẩu phần, tỉ lệ phần trăm protein động vật/protein tổng số, tỉ lệ phần trăm lipid động vật/lipid tổng số, tỉ lệ canxi/phospho…

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt và xuất bản năm 2016, trong đó được quy định chi tiết cụ thể về nhu cầu dinh dưỡng cho từng nhóm tuổi, độ tuổi. Với nhóm tuổi học đường (mầm non, tiểu học) như sau:

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em học đường

Ngoài năng lượng, protein, lipid thì nhu cầu hàng ngày về gluxit, can xi và vitaminD, vitamin, sắt, kẽm theo từng nhóm tuổi cũng khác nhau. Từ nhu cầu khuyến nghị này, thì trẻ càng nhỏ thì nhu cầu các chất dinh dưỡng càng cao do tốc độ phát triển nhanh của trẻ. Trẻ mầm non, nhu cầu dinh dưỡng chia thành hai nhóm tuổi là từ 1 - 2 tuổi và từ 3 - 5 tuổi; Trẻ tiểu học chia thành 3 nhóm tuổi là từ 6 - 7 tuổi, từ 8 - 9 tuổi và từ 10 - 11 tuổi.

Đánh giá khẩu phần ăn của trẻ

Hiện nay, trẻ đi học thường ăn bán trú ở trường, bữa ăn thường được ghi rõ chi tiết cụ thể lượng lương thực thực phẩm, bữa chính và bữa phụ trong ngày. Thực đơn bữa ăn của trẻ hàng ngày, nhà trường treo ở những nơi để các bậc phụ huynh dễ đọc, việc này do nhân viên y tế trường phụ trách. Đến mỗi bữa ăn, giáo viên mầm non đi lấy số suất ăn được chia theo lớp (theo nhóm tuổi), thậm chí có chế độ riêng cho trẻ nhẹ cân. Với khoa học công nghệ phát triển như ngày nay về thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhiều bà mẹ ở nhà hoặc đi làm vẫn có thể biết con mình được ăn uống, nghỉ nghơi và vệ sinh ra sao thông qua camera.

Trẻ ăn bán trú hoàn toàn có thể đảm bảo được nhu cầu về dinh dưỡng, cũng như an toàn thực phẩm bởi hiện nay các trường có cán bộ y tế, họ đã được trang bị kiến thức về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Bữa ăn ở trường đáp ứng khoảng 40%, bữa sáng và tối ở nhà đáp ứng 60% nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Một trẻ khỏe mạnh, khi ăn uống đủ sẽ phát triển tốt cả về cân nặng và chiều cao, vì thế các mẹ có thể tự đánh giá về khẩu phần ăn của trẻ dựa vào sự tăng cân và chiều cao theo hai công thức sau:

Công thức tính cân nặng:

Xn = 9,5kg + 2,4kg x (N-1).

Xn là cân nặng hiện tại của trẻ (kg).

9,5 là cân nặng của trẻ lúc 1 tuổi.

2,4 là cân nặng tăng trung bình trong 1 năm.

N là số tuổi của trẻ (tính theo năm).

Công thức tính chiều cao:

Xc = 95,5cm + 6,2cm x (N-3).

Xc là chiều cao nên có của trẻ (cm).

95,5 là chiều cao của trẻ lúc 3 tuổi.

6,2 là chiều cao tăng trung bình trong 1 năm.

N là số tuổi của trẻ (tính theo năm).

Ví dụ về chế độ ăn cho một số lứa tuổi như sau:

Trẻ từ 1 - 2 tuổi:

Vẫn tiếp tục cho bú mẹ, nếu mẹ không có sữa cho trẻ uống sữa ngoài từ 300 - 500 ml/ngày.

Ăn 4 bữa cháo hoặc súp mỗi ngày. Ăn quả chín theo nhu cầu của trẻ. Lượng thực phẩm trong ngày: gạo (100 - 150g); thịt hoặc cá, tôm (100 - 120g); trứng gà 3 - 4 quả/tuần; dầu mỡ (25 - 30g); rau xanh (50 - 100g); quả chín (150 - 200g).

Trẻ từ 2 - 3 tuổi:

Cơm nát, hoặc cháo, mì, súp, phở và uống sữa.

Số bữa ăn trong ngày: 4 bữa cơm nát (cháo, mì, súp), sữa 300 - 400ml/ngày. Lượng thực phẩm trong ngày: gạo (150 - 200g) nếu ăn bún, mì, súp thì rút bớt lượng gạo; thịt hoặc cá, tôm (120 - 150g); dầu mỡ (30 - 40g); rau xanh (150 - 200g); quả chín (200g).

Trẻ từ 3 - 5 tuổi:

Ăn 4 bữa ngày, nhưng lượng ăn vào tăng lên, cho trẻ ăn những món trẻ yêu thích. Không cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả chín trước bữa ăn. Lượng thực phẩm hàng ngày dùng cho trẻ: gạo (200 - 300g); thịt hoặc cá, tôm (150 - 200g); dầu mỡ (30 - 40g), rau xanh (200 - 250), quả chín (200 - 300g), sữa (300 - 400ml).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!