Trẻ sơ sinh từ 1-3 tháng sẽ bắt đầu trở nên “to tiếng” để báo cho mẹ biết khi bé đói, đặc biệt khi bạn đã tập cho bé quen với thời gian bú cố định.
Cho con bú sữa mẹ bao nhiêu và bao lâu một lần?
Vài tuần đầu sau khi sinh, trẻ bắt đầu bú ít hơn bình thường và ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Bạn có thể yên tâm rằng con bạn đã bú đủ khi:
- Trông bé lanh lẹ, thỏa mãn và nhanh nhẹn;
- Tăng cân từ từ, lớn lên và phát triển hơn;
- Số lần bú khoảng 6 đến 8 lần một ngày;
- Trẻ đi tiêu thường xuyên.
Nếu bú chưa đủ, bé sẽ không hài lòng, bứt rứt hoặc khóc nhiều. Hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa nếu bạn thấy các dấu hiệu trên.
Hãy nhớ rằng sau khoảng một tháng, bé có xu hướng đi tiêu ít hơn trước đây. Khi được khoảng 2 tháng tuổi, bé có thể không đi tiêu sau mỗi lần cho ăn hoặc thậm chí mỗi ngày. Nếu bé vẫn chưa đi tiêu sau 3 ngày, hãy gọi ngay cho bác sĩ nhé.
Trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, bạn có thể nhận thấy rằng bé muốn bú thường xuyên hơn. Điều này giúp cơ thể người mẹ tăng thêm nguồn sữa. Trong một vài ngày, việc cung cấp sữa và nhu cầu bú sẽ được cân bằng.
Khi chào đời, trẻ cần được bổ sung vitamin D trong vài ngày đầu tiên khi bé chào đời và không cần các loại thực phẩm bổ sung, nước, nước trái cây hay các loại thực phẩm rắn khác.
Cho con bú sữa công thức bao nhiêu và bao lâu một lần?
Trẻ sẽ lanh lợi, biết ê a và bắt đầu cười sau vài tuần. Mẹ và bé có thể tương tác với nhau nhiều hơn trong lúc cho bé ăn.
Trẻ sơ sinh tiêu hóa sữa công thức chậm hơn. Vì vậy, bạn nên cho bé bú sữa bình uống ít lần hơn sữa mẹ. Trong tháng thứ hai, trẻ có thể uống 120-150 ml sữa mỗi lần. Đến cuối tháng thứ 3, bé sẽ cần thêm 30 ml sữa nữa cho mỗi lần bú.
Khi bé lớn lên, bé sẽ ăn nhiều hơn và thời gian giữa những lần ăn cũng kéo dài hơn. Bạn sẽ nhận thấy rằng bé đang bắt đầu ngủ đêm lâu hơn.
Khi bú sữa công thức, bé sẽ dễ bị bú dư vì bú từ bình sẽ ít tốn sức hơn bú từ vú mẹ rất nhiều. Vì vậy, bạn nên đảm bảo các lỗ trên núm vú của bình đúng kích cỡ. Sữa phải chảy chậm từ lỗ và không tràn ra ngoài. Ngoài ra, hãy cho bé ngưng bú khi bé có dấu hiệu no.
Bạn không nên dùng đồ vật để giữ bình sữa khi cho bé bú vì bình có thể khiến trẻ bị ngạt, nhiễm trùng tai và sâu răng.
Trẻ bị ọc sữa/trớ sữa
Nhiều trẻ sơ sinh ọc một lượng nhỏ sữa sau khi bú hoặc trong quá trình ợ. Theo thời gian, điều này sẽ xảy ra ít hơn và gần như biến mất khoảng sau 10 tháng. Bạn không cần lo lắng nếu bé ọc ra một lượng nhỏ hơn 30 ml và điều này xảy ra trong vòng một giờ sau khi cho bú và không làm bé khó chịu.
Bạn có thể giảm tình trạng bé bị ọc sữa trong những tháng đầu bằng cách:
- Cho bé ăn trước khi bé thấy quá đói;
- Bế bé với tư thế nửa nằm nửa ngồi khi cho bú và một giờ sau cữ bú;
- Cho bé ợ thường xuyên;
- Không cho bé bú quá nhiều;
- Không đùa giỡn với bé quá mạnh sau khi cho bé bú.
Nếu con bạn ọc ra một lượng lớn, mạnh và dễ bị kích thích trong hoặc sau khi ăn, bé có vẻ giảm cân hoặc không tăng cân như mong đợi, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ. Nếu trẻ bị sốt hoặc có bất kỳ dấu hiệu mất nước, bạn hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.
Bạn có thể quan tâm đến các đề tài:
- Những vấn đề thường gặp khi cho trẻ một tháng tuổi bú
- Bạn cần biết gì khi cho trẻ 1-3 tháng tuổi ăn?
- 4 thói quen có thể ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!