Chỉ mặt những thủ phạm làm 'đèn đỏ' chậm trễ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Tình trạng chậm kinh có thể bắt nguồn từ nguyên nhân giảm cân quá mức, căng thẳng, tuyến giáp bất thường...

Giảm cân hoặc tập thể dục quá mức

Nếu chỉ số BMI của bạn nhanh chóng bị xuống dưới 18 hoặc 19, bạn có thể bị chậm kinh. Mặc dù việc chậm kinh không phải phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ số BMI nhưng thói quen chán ăn hoặc ăn uống vô độ, tập luyện quá mức có thể là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này. Cơ chế tự nhiên cơ thể có khả năng ngăn cản việc mang thai khi bạn đang căng thẳng cực độ. Cơ thể sẽ ngăn sự rụng trứng, không sản sinh nhiều estrogen, không thể làm dày thành tử cung. Kết quả là bạn sẽ không có kinh.

Căng thẳng

Những cú sốc, chấn động trong cuộc sống của bạn có thể dẫn đến vô kinh. Trong não, vùng dưới đồi là nơi có rất nhiều các kích thích tố để điều tiết chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Vùng này rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng. Vì vậy, nếu bạn đang phải đối phó với những khó khăn hoặc thách thức lớn như cái chết của người thân trong gia đình, sự chia tay hoặc bất kỳ biến cố nào trong cuộc sống, bạn có thể sẽ bị trễ kinh.

Chỉ mặt những thủ phạm làm 'đèn đỏ' chậm trễ

Những cú sốc, chấn động trong cuộc sống của bạn có thể dẫn đến vô kinh (Ảnh minh họa: Internet)

Tuyến giáp bất thường

Tuyến giáp nằm ở cổ, điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Nó cũng tương tác với nhiều hệ thống khác trong cơ thể của bạn để giữ cho mọi cơ quan trong cơ thể vận hành trơn tru. Nếu bạn đang bị mất cân bằng tuyến giáp, cho dù đó là suy giáp hoặc cường giáp, 'đèn đỏ' sẽ đến muộn. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng khác của tình trạng rối loạn tuyến giáp, hãy đi kiểm tra ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Triệu chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

PCOS là một sự mất cân bằng nội tiết tố làm giảm sự rụng trứng, do có sự thay đổi mức độ estrogen, progesterone, và testosterone trong cơ thể. Những phụ nữ mắc những triệu chứng của PCOS sẽ vô kinh hoặc không có kinh nguyệt thường xuyên. Các triệu chứng PCOS khác bao gồm sự phát triển lông quá mức ở những nơi như mặt và ngực, khó giảm cân và tiềm ẩn những vấn đề về sinh sản. Nếu bạn có những triệu chứng này hãy đi khám để được phát hiện bệnh và điều trị bệnh kịp thời.

Chỉ mặt những thủ phạm làm 'đèn đỏ' chậm trễ

Một trong những biếu hiện của PCOS gây vô kinh là tăng cân quá mức (Ảnh minh họa: Internet)

Bệnh mãn tính

Bất cứ căn bệnh mãn tính nào không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng gây căng thẳng cho hệ thống chung của cơ thể và có thể gây chậm hoặc mất kinh.

Các biện pháp tránh thai

'Ngày ấy' đến muộn hoặc biến mất có thể là do tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai mà bạn đang sử dụng. Một số loại thuốc tránh thai liều thấp sẽ làm chậm chu kỳ kinh nguyệt. Điều này không hề nguy hiểm và nhiều khi còn là một tác dụng phụ tốt. Các phương pháp như dùng vòng tránh thai, que cấy tránh thai hoặc thuốc tiêm cũng mang lại kết quả tương tự. Nếu bạn ngừng sử dụng biện pháp tránh thai thì trong vài tháng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại như bình thường.

Mãn kinh sớm

Khi phụ nữ dưới 40 bị thiếu hụt nội tiết tố, họ có thể bị mãn kinh sớm, còn được gọi là suy buồng trứng sớm. Cùng với việc 'ngày ấy' đến muộn còn có các triệu trứng khác như các cơn nóng bừng, đổ mồ hôi vào ban đêm và khô âm đạo. Tình trạng này không quá phổ biến nên bạn không cần phải quá lo lắng về nó.

An An (Prevention)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!