PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ở giai đoạn sơ sinh, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, chưa có đủ men tiêu hóa và dịch tiêu hóa còn ít, đặc biệt là chưa có men amylase để tiêu hóa tinh bột. Vì thế nếu ăn dặm sớm trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa với biểu hiện đầy bụng, đi ngoài phân lổn nhổn, mùi chua do không tiêu hóa và hấp thụ được thức ăn ngoài sữa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ ăn bổ sung quá sớm có thể ít bú sữa mẹ, không được cung cấp đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển. Bé ăn dặm sớm cũng tăng nguy cơ mắc bệnh vì thiếu các yếu tố miễn dịch có trong sữa mẹ và gây những tác hại không lường.
Ăn bổ sung là hình thức bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Theo khuyến nghị của WHO, thời điểm thích hợp cho trẻ ăn dặm là tròn 6 tháng tuổi. Hiện nay nhiều người quan niệm cho ăn bổ sung sớm trẻ sẽ cứng cáp hơn và không bị đói. Vì vậy, nhiều bé đã được cho ăn bổ sung từ tháng thứ 4, 5 thậm chí từ tháng tuổi thứ 3. Điều đó ảnh hưởng đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng.
Ngược lại, trẻ ăn bổ sung muộn, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu sẽ chậm tăng cân. Trẻ có nguy cơ thiếu vi chất như thiếu máu do thiếu sắt, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ.
Cho trẻ ăn dặm phải tuân thủ nguyên tắc ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều
Phó giáo sư Lâm khuyến cáo trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là tốt nhất. Ngoài 6 tháng mới nên cho ăn bổ sung. Trong trường hợp mẹ phải đi làm khi con mới 4 tháng tuổi, mẹ có thể tận dụng nguồn sữa mẹ bằng cách cho con bú trước khi đi làm, buổi trưa tranh thủ về cho bú, tăng cường bú ban đêm hoặc vắt sẵn sữa để lại nhà cho bé. Trong trường hợp sữa mẹ không đủ thì mới cho bé ăn sữa công thức.
Cho trẻ ăn dặm phải tuân thủ nguyên tắc ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, ban đầu chỉ nên ăn 2 bữa một tuần sau đó tăng dần một bữa một ngày rồi 2 bữa một ngày và tập làm quen với thức ăn mới. Trẻ mới tập ăn bột thì bữa đầu tiên có thể ăn bột sữa hoặc bột thịt đều được.
Nếu trẻ ăn bột sữa, sau khi quấy chín bột để bớt nóng, mẹ khuấy thêm sữa vào cho trẻ ăn. Bé ăn bột thịt hay trứng, mẹ cho thêm một quả trứng gà hoặc 10 g thịt vào nấu lẫn bột. Khi trẻ quen thì tăng lên 2 thìa cà phê thịt (khoảng 20 g) hoặc một quả trứng.
Để bổ sung canxi, từ tháng thứ 6 bé có thể ăn được hải sản. Khi bé bắt đầu ăn, chỉ cần một thìa cà phê thịt cá hay tôm xay nhỏ, sau đó mới tăng dần lên. Từ 7 tháng tuổi, bé ăn được tất cả thực phẩm giống người lớn, chỉ khác về số lượng và cách chế biến. Tôm là thức ăn giàu đạm và canxi. Từ tháng thứ 7 trở đi các bà mẹ có thể cho con ăn tôm đồng, tôm biển.
Giai đoạn này bát bột của trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: Bột - đường (có trong tinh bột gạo), đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua), chất béo (dầu, mỡ), vitamin và khoáng (trong các loại rau, củ).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!