Chọn kháng sinh diệt vi khuẩn H.Pylori hiệu quả

Cần biết - 11/24/2024

Rất nhiều trường hợp được chẩn đoán viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.Pylori nhưng sau quá trình dùng thuốc mà vẫn không diệt được triệt để. Đa số các trường hợp này là do uống thuốc sai cách chứ không phải do vi khuẩn kháng thuốc.

Nguyên nhân nào dẫn đến việc diệt H.Pylori thất bại?

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất chính là do dùng kháng sinh diệt H.Pylori không đúng cách, vì thế không đưa được đủ liều lượng kháng sinh cần thiết tới nơi vi khuẩn này trú ẩn. Thực tế trong những năm gần đây, vi khuẩn H.Pylori đang trở thành mối lo khi việc diệt trừ ngày càng trở nên khó khăn. Theo các báo cáo trong Hội nghị tiêu hóa Việt Nam 2016, hiệu quả diệt trừ H.Pylori của các phác đồ đang suy giảm một cách nhanh chóng. Hiện nay, phác đồ đầu tay chỉ diệt trừ H.Pylori thành công trên 34,5% bệnh nhân, điều đó có nghĩa là tới hơn 60% bệnh nhân bị thất bại với phác đồ này.

Cứ thế, phác đồ mới đưa ra để diệt H.Pylori nhanh chóng bị đánh giá là thất bại và rồi các phác đồ mới hơn được đưa ra để thay thế với xu hướng ngày càng phải kết hợp nhiều loại thuốc hơn. Bởi chúng ta đã rất thiếu sót trong việc điều tra nguyên nhân. Mà nguyên nhân thất bại thường vẫn được cho là do bị kháng thuốc, do người bệnh không tuân thủ điều trị, do lạm dụng kháng sinh, do vi khuẩn H.Pylori thích ứng nhanh quá...

Tất cả lý do đó đều không sai, nhưng còn một nguyên nhân cơ bản nữa - đó là do hướng dẫn cách dùng thuốc chưa rõ ràng và cụ thể khiến bệnh nhân thực hiện không đúng dẫn đến thất bại mặc dù phác đồ vẫn tốt. Thực tế, từ các khuyến cáo hướng dẫn, các buổi tập huấn cập nhật phác đồ mới... cho đến việc thực hiện điều trị cho bệnh nhân, chúng ta đều vẫn đang tranh cãi, chưa thống nhất hoặc chưa đưa ra quy định phải thống nhất ghi chi tiết “cách uống thuốc” vào phác đồ diệt H.Pylori.

Điều trị hướng đích

Điều trị hướng đích trong các bệnh từ lâu đã được chứng minh đem lại hiệu quả tối ưu và vượt trội hơn hẳn so với điều trị toàn thân theo cách thông thường. Có lẽ nhiều người vẫn quan niệm điều trị hướng đích phải là những điều cao siêu hoặc hàn lâm như công nghệ nano hoặc điều gì đó ghê gớm hơn. Nhưng hiểu một cách đơn giản thì điều trị hướng đích chính là “đưa thuốc đến các cơ quan bị bệnh một cách chọn lọc, giảm tác dụng không mong muốn với cho cơ thể”. Chính vì thế, khi ta đưa thuốc đến được chỗ cơ thể đang bị bệnh/tổn thương một cách chọn lọc thì đó chính là hướng đích.

Chọn kháng sinh diệt vi khuẩn H.Pylori hiệu quả

Vi khuẩn H.Pylori gây viêm loét dạ dày.

Ví dụ: Bôi trực tiếp thuốc vào răng, lợi hoặc súc miệng… để điều trị bệnh răng miệng hay tiêm thẳng thuốc vào màng bao hoạt dịch khớp để điều trị bệnh khớp... cũng chính là đã dùng những cách điều trị hướng đích.

Vậy trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H.Pylori thì sao? Vi khuẩn H.Pylori ẩn trú tại dạ dày, nằm dưới lớp màng nhày ở bề mặt của dạ dày, vì thế, thuốc hướng đích là thuốc có khả năng thấm tốt qua lớp màng nhày này, lưu lại ở dạ dày lâu hơn để tới được nơi vi khuẩn H.Pylori ẩn náu. Khi kháng sinh ngấm trực tiếp qua lớp màng nhày sẽ đến đích trú ẩn của H.Pylori một cách nhanh hơn, nhiều hơn và chọn lọc hơn so với để thuốc trôi tuột qua dạ dày, hấp thu qua ruột non, chuyển hóa một phần ở gan, phân bố khắp cơ thể và rồi chia một phần thuốc đến niêm mạc dạ dày.

Vậy phải dùng thuốc thế nào?

Các kháng sinh có trong các phác đồ diệt H.Pylori hiện nay đều đã được lựa chọn nhóm thuốc có đặc tính thấm tốt qua lớp màng nhày. Chỉ còn cách dùng như thế nào để kháng sinh lưu thật lâu tại dạ dày nữa là đạt cái gọi là hướng đích. Tuy nhiên, muốn hướng đích hiệu quả thì còn phụ thuộc vào “nghệ thuật đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân” của các thầy thuốc.

H.Pylori không khó diệt, dùng phác đồ 4 thuốc và uống thuốc đúng cách thì 99% diệt được H.Pylori. Nếu bệnh nhân nào không được phép dùng phác đồ 4 thuốc thì dùng phác đồ 3 thuốc cũng đã đạt được mục đích rồi.

Hơn nữa, trong cùng một gia đình, nếu có 1 người viêm loét dạ dày do H.pylori thì hầu như tất cả gia đình đều rất có thể cũng đã nhiễm H.Pylori vì văn hóa và thói quen ăn uống, sinh hoạt của chúng ta. Do đó, nên cho cả nhà cùng diệt H.Pylori luôn (coi như một đợt tẩy giun) để tránh tái nhiễm (lưu ý là chỉ diệt H.Pylori chứ không phải là điều trị viêm loét dạ dày tá tràng do H.Pylori). Khi có vết loét dạ dày tá tràng do H.Pylori thì cần dùng duy trì thêm thuốc ức chế bơm proton (PPI) từ 4-6 tuần (tùy mức độ vết loét) để chữa lành vết loét. Việc chọn diệt H.Pylori trước hay sau khi chữa lành viêm loét tùy mức độ đau và loét.

Cách dùng thuốc đúng, cần phải tuân thủ như sau:

Nên chọn theo phác đồ, hướng dẫn mới nhất.

Uống thuốc PPI lúc dạ dày rỗng (thường trước bữa ăn 1 giờ hoặc ngay khi ngủ dậy buổi sớm) để PPI đi nhanh qua cái dạ dày đang rỗng.

Phải kết hợp thêm thuốc ức chế histamin H2 trong 4 ngày đầu dùng PPI để đảm bảo mức ức chế tiết acid dạ dày.

Cần uống kháng sinh ngay sau khi ăn no để tăng tối đa thời gian lưu kháng sinh ở dạ dày. Cần ăn đủ lượng thức ăn và nhiều chất xơ để trì hoãn sự tháo rỗng của dạ dày. Bữa ăn mà chỉ chút cháo loãng hoặc quá dễ tiêu thì rất nhanh tháo rỗng dạ dày khiến cho thuốc lưu tại dạ dày không được lâu (diệt vi khuẩn H.Pylori không cần thuốc hấp thu toàn thân mà cần lưu thuốc ở dạ dày càng lâu càng tốt).

Trong thực tế, rất nhiều toa thuốc kê cho bệnh nhân điều trị H.Pylori không ghi rõ thời điểm uống thuốc hoặc không nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thời điểm uống thuốc này nên bệnh nhân không nhớ, không hiểu và sẽ không thực hiện đúng, làm thất bại điều trị. Trong khi đó, 1 người không diệt trừ được thì sẽ tạo thêm mầm mống cho nguy cơ H.Pylori kháng thuốc và tái nhiễm cho nhiều người xung quanh họ.

DS. Bùi Sỹ Thành

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!