Chọn rau an toàn ăn Tết

Điều cần biết - 11/24/2024

Bằng mắt thường rất khó phát hiện rau không an toàn, vì thế mọi người có thể chọn rau ở những cơ sở đã được cấp phép và có giấy chứng nhận an toàn.

An toàn thực phẩm trong những ngày Tết là vấn đề luôn được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, trong thời gian qua các cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra những vụ bê bối thực phẩm từ những món ăn cổ truyền ngày tết như mứt Tết, cho đến các vụ việc gây rúng động dư luận như thịt chứa chất tạo nạc, măng ngâm hóa chất...

Có lẽ, chưa lúc nào người tiêu dùng cảm thấy hoang mang như thời điểm hiện tại, và điều cần thiết nhất lúc này đó chính là những hướng dẫn của các chuyên gia về cách lựa chọn các loại thực phẩm thông dụng hàng ngày. Trước những nhu cầu cấp thiết của người dân trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán như hiện nay, chúng tôi giới thiệu tới quý bạn đọc loạt bài: Hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn dịp Tết.

Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường tiêu thụ rau nhiều nhất trong năm. Tuy nhiên, việc phát hiện hàng loạt các vụ bê bối như: rau tồn dư thuốc trừ sâu, rau không có nguồn gốc rõ ràng tuồn vào trường học, siêu thị khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang.

Vậy, làm sao để chọn được một mớ rau sạch theo đúng nghĩa ở ngoài chợ. Đây là điều không phải đơn giản, bởi nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì không ai có thể biết được loại rau đó có bị nhiễm hóa chất hay tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay không.

Ths Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, thực ra không có khái niệm rau sạch mà chỉ có rau an toàn. Rau an toàn là các sản phẩm được trồng, kiểm soát theo các quy trình đảm bảo an toàn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành, ví dụ như loại thuốc bảo vệ thực vật được phép dùng; liều lượng dùng; thời gian cách ly (thời gian từ lúc phun thuốc đến lúc thu hái) phải đảm bảo theo đúng quy định.

Theo Ths Nga, việc áp dụng các quy trình đảm bảo an toàn hiện nay, như Vietgap thì đều được giám sát và chứng nhận bởi các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chọn rau an toàn ăn Tết

Rau an toàn phải có chứng nhận của ngành nông nghiệp và phải có nhãn mác khi đưa ra thị trường

Các cơ sở nào tuân thủ theo đúng các quy định trên thì sẽ được cơ quan này cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua rau cần lưu ý xem cơ sở đó đã có giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn của cơ quan chức năng hay chưa.

Ngoài việc kiểm soát theo quy trình như vậy thì các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp và ngành y tế luôn có chương trình giám sát thực phẩm trên thị trường, bao gồm cả việc lấy mẫu rau để phân tích các chỉ tiêu an toàn.

Còn theo TS Lâm Quốc Hùng  - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế), để có được một sản phẩm rau an toàn thì gốc rễ của vấn đề đó chính là việc giám sát từ cơ sở sản xuất rau.

Theo đó, đối với người kinh doanh, trước hết phải nâng cao trách nhiệm khi kinh doanh, điều đó được thể hiện qua việc không chỉ tìm hiểu rõ nguồn gốc của cơ sở sản xuất rau, mà còn bằng cảm quan của mình, đánh giá tình trạng của rau khi đưa vào sạp kinh doanh.

“Chủ cơ sở kinh doanh có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như:  màu sắc, mùi vị và độ nhớt của rau. Tôi tin rằng, với kinh nghiệm bản thân những người kinh doanh nếu lựa chọn kỹ càng thì sẽ có được mớ rau đảm bảo.

Tôi lấy ví dụ như rau ngót, nếu rau xanh mơn mởn, màu sắc khi nhìn vào không có sự tác động của môi trường mà phát triển quá nhanh, mùi vị của rau không còn thơm, nồng và không có độ nhớt dính tay thì chứng tỏ rau có vấn đề”, TS Hùng cho hay.

Cách chọn một số loại rau

- Rau cần:Khi thấy thân của rau cần to, ngó rau có màu trắng ngần, nhanh bị héo, nếu để sang ngày hôm sau là rau cần đã bị héo, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi chế biến lá rau biến đổi thành màu xanh đen… chứng tỏ loại rau cần này đã bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón qua lá. Khi chọn bạn nên loại những bó rau như vậy.

- Rau muống: Khi chọn những loại rau có thân to hơn bình thường, lá có màu xanh đen, giòn hơn bình thường, khi luộc rau, nước luộc khi đang nóng có màu xanh nhạt, khi nguội lại có màu xanh đen, có vẩn kết tủa đen, khi ăn xong thường thấy có vị chát - đấy là những loại rau dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá.

- Rau bí: Đối với những ngọn rau bí dài, non, ngọn có màu xanh nhạt, lá có màu xanh đen, tay cuốn mập và ngắn, khoảng cách giữa các lóng rau xa nhau, ít lông tơ… đó là những loại rau bí được bón thừa phân đạm, phun quá nhiều phân bón lá cũng như chưa đủ thời gian cách ly để đưa vào sử dụng.

- Rau cải: Bạn nên chọn những loại rau cải lá nhỏ, có lỗ do sâu ăn lá ăn, thân không đều như vậy sẽ tốt và an toàn. Bạn không nên chọn những bó cải lá xanh ngắt, non không có dấu vết bị sâu bọ ăn, phần thân thì chắc mập, đều bởi những loại cải này thường được bón rất nhiều phân đạm nitrat.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!