Chăm sóc người cao tuổi mắc bệnh mạn tính tại Bệnh viện Lão khoa trung ương. Ảnh: Xuân Lộc
Bệnh tăng nặng với những người có sẵn bệnh nền
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, hơn 80% ca tử vong do dịch Covid-19 ở nước này là người trên 60 tuổi. Còn theo Viện Y tế quốc gia Italia, độ tuổi trung bình của người tử vong do dịch Covid-19 ở quốc gia này là 78,5 và tuổi trung bình của người nhiễm là 63. Trong số 3.200 ca tử vong ban đầu vì dịch Covid-19 ở Italia, có khoảng 98,8% có ít nhất một bệnh lý nền.
Tại Việt Nam, độ tuổi nhiều người mắc Covid-19 nhất là từ 50 đến 64 tuổi (chiếm hơn 35%). Hiện tại, trong số 3 ca bệnh nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) có 2 ca, gồm một bệnh nhân người Việt 64 tuổi và một bệnh nhân người Anh 69 tuổi đều có từ 1 đến 2 bệnh lý nền.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Phạm Ngọc Thạch cho biết, đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mạn tính, như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận... thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng là những đối tượng có nguy cơ cao dễ bị diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của vi rút SARS-CoV-2.
Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa trung ương cho thấy, người cao tuổi trung bình có từ 3 bệnh lý mạn tính trở lên, trong đó có các bệnh hay gặp, như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, phổi mạn tính. Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ của bệnh viện Lão khoa trung ương nhận định, chính vì mắc các bệnh lý nền mà sức đề kháng của người cao tuổi giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Vì vậy, nếu người cao tuổi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 sẽ làm thúc đẩy các bệnh mạn tính đó chuyển thành giai đoạn cấp, dẫn đến bệnh nhân rất dễ tử vong.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, diễn biến hầu hết người bệnh Covid-19 (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Khoảng 14% số ca bệnh diễn biến nặng, như: Viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan, bao gồm: Tổn thương thận, tổn thương cơ tim và dẫn đến tử vong. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày. 'Với người cao tuổi có các bệnh lý nền kèm theo tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Do đó, việc chăm sóc và điều trị bệnh cho người cao tuổi cần có sự phối hợp các chuyên khoa', Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Khi nghe tin trên địa bàn quận Long Biên đã ghi nhận những trường hợp mắc Covid-19, bà Đặng Thị Lợi (70 tuổi, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) tỏ ra lo lắng - 'tôi đã chung sống với bệnh đái tháo đường từ nhiều năm nay. Nếu không may mắc thêm Covid-19, thì rất khổ. Chính vì vậy, tôi không dám đến những nơi đông người, hạn chế tối đa việc đi ra ngoài đường và khi ở nhà thường xuyên tuân thủ việc rửa tay bằng xà phòng...'.
Nâng cao thể trạng, không nên ra đường
Để phòng dịch Covid-19 đối với người cao tuổi, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị khuyến cáo, trước tiên, người cao tuổi cần phải nâng cao thể trạng, tuân thủ việc điều trị bệnh mạn tính hiện có theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, với những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường nên kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch...
Ngoài ra, người cao tuổi chú ý ăn đủ chất và tránh áp dụng chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo, vì sẽ làm cho cơ thể thiếu chất gây suy yếu hệ miễn dịch. Người cao tuổi cũng nên chủ động bổ sung đủ 1,5-2 lít nước hằng ngày. Môi trường sinh hoạt trong gia đình nên thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ, tránh sử dụng điều hòa.
Bác sĩ Trần Quang Thắng cũng cho rằng, việc ăn uống đủ chất ở đây là bảo đảm đầy đủ các chất dinh dưỡng nhiều calo, giàu năng lượng và bổ sung vitamin, khoáng chất để cung cấp đủ năng lượng cho người cao tuổi chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, người cao tuổi nên duy trì việc tập thể dục nhẹ nhàng để nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng. Trong thời điểm này, người cao tuổi không nên đến những khu vực, như vườn hoa, công viên để tập thể dục mà nên chọn một không gian thoáng khí trong nhà để tập những bài dưỡng sinh nhẹ nhàng...
Còn theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các địa phương cần phải thống kê, lập danh sách, từ đó có các khuyến cáo, thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác. Trong trường hợp thật sự cần thiết, người cao tuổi mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, như hết thuốc, cần chỉnh liều, nhiễm bệnh... và khi ra đường cần đeo khẩu trang.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!