Chia sẻ trong hội thảo về vắc-xin vừa diễn ra ở TP HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết các bệnh nhiễm do phế cầu khuẩn và tiêu chảy do rotavirus hiện đã có vắc-xin phòng ngừa. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ tiêm ngừa hai vắc-xin này hiện mới chỉ đạt khoảng 7-8%.
Theo bác sĩ Khanh, phế cầu là tác nhân vi khuẩn khá nguy hiểm, khu trú vùng tai mũi họng ở người khỏe mạnh. Vi khuẩn thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa và rất nặng là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Trong đó, viêm phổi là bệnh nguy hiểm gây đe dọa trên toàn cầu với tỷ lệ tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính hàng năm Việt Nam có khoảng 2,9 triệu ca viêm phổi, trong đó 40-50% do phế cầu. Nước ta nằm trong top 15 nước có số ca mắc mới viêm phổi cao nhất thế giới.
Khuẩn phế cầu có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa... Ảnh: Lê Phương.
Theo bác sĩ Khanh, biện pháp thụ động như vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, tăng sức đề kháng cơ thể chỉ là một phần. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu vẫn là chủ động tiêm vắc-xin phế cầu giúp bảo vệ trẻ từ sớm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị nên bao gồm các vắc-xin phế cầu cộng hợp (PVC) vào chương trình tiêm chủng cho trẻ em trên thế giới, đặc biệt là các nước có tỷ lệ tử vong cao.
Trên thế giới, có hơn 53 quốc gia đã áp dụng vắc-xin phế cầu trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Kết quả đạt được rất khả quan, có 49 triệu trẻ em đã được tiêm chủng từ năm 2009 đến năm 2014. Số liệu thống kê năm 2015 cho thấy, vắc-xin phế cầu khuẩn đã giúp 6 đến 7,5 triệu trường hợp viêm phế cầu khuẩn được ngăn chặn và cứu sống khoảng 290.000 trẻ em dưới 5 tuổi.
7 bước điều trị khi bị tiêu chảy (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)
Với Rotavirus, cứ 2 trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thì có thể có một trẻ do vi-rút này gây ra. Trẻ dễ bị mất nước nặng vì đã nôn ói lại tiêu chảy lên đến 20 lần một ngày. Nếu không nhập viện điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong, rối loạn cân bằng các chất trong cơ thể, rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Đường lây của bệnh tiêu chảy cấp do vi-rút rota chủ yếu qua tay bị nhiễm và đưa vào miệng khi trẻ bốc nắm đồ chơi. Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi dễ bị nhiễm rotavirus khi bắt đầu khám phá thế giới xung quanh. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ lây nhiễm và triệu chứng bệnh càng nặng. Rotavirus tồn tại bền vững và lây nhiễm trong phân trong một tuần. Chúng có thể sống trên tay trong nhiều giờ, trên bề mặt cứng trong nhiều giờ.
Trẻ cần hoàn tất uống vắc-xin rota càng sớm càng tốt và trước 6 tháng tuổi. Ảnh: medscape
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, trẻ cần uống vắc-xin rota càng sớm càng tốt và trước 6 tháng tuổi. Uống ngừa vắc-xin ngay từ 2 tháng tuổi giúp trẻ được phòng ngừa chủ động, bên cạnh việc cho trẻ rửa tay, uống nước sạch và bú sữa mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó Khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TP HCM chia sẻ trừ nguồn nước sạch, không có biện pháp nào khác kể cả kháng sinh có thể mang lại hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ bệnh và tử vong như vắc-xin. Mỗi năm vắc-xin giúp ngăn ngừa 3 triệu ca tử vong và 750.000 trẻ em khỏi bị tàn tật vĩnh viễn do di chứng của bệnh trên toàn cầu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!