Câu hỏi 1: Em chào Bác sĩ! Em năm nay 28 tuổi là nam giới, em bị đau lưng đi khám, Bác sĩ bảo bị gai cột sống và đã kê đơn cho em uống thuốc nhưng em uống được một tuần rồi không thấy đỡ. Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp, em có nên mua thêm thuốc uống và cách điều trị như thế nào thì hợp lý. Em xin cảm ơn!
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:
Chào bạn!
Gai đôi cột sống là một dị tật bẩm sinh của cột sống. Dị tật này có từ lúc sinh do trong qua trình hình thành từ bào thai, ống thần kinh không đóng hoàn toàn và phần xương sống nằm phía trên của phần dây sống cũng không đóng hoàn toàn. Tỉ lệ bị gai đôi cột sống khá cao, ước tính trong số 1000 trẻ sinh ra có 1-2 trẻ sơ sinh bị gai đôi cột sống. Tỉ lệ này có khác nhau tùy theo dân tộc và vùng địa lý.
Ảnh minh họa
Gai đôi cột sống chia làm ba thể: gai đôi cột sống ẩn, gai đôi có nang và thoát vị màng não. Vị trí hay gặp là ở vùng thắt lưng và vùng xương cùng. Biểu hiện bệnh thay đổi theo từng thể. Thể gai đôi có nang có thể dẫn tới mất chức năng một phần cơ thể của người bệnh và cho dù có mổ để đóng lại thì cũng không cải thiện chức năng của dây sống. Thể ẩn là loại nhẹ, ống sống không bị hở mà chỉ có phần xương không đóng kín thôi, lỗ cột sống cũng nhỏ nên dây sống không trồi ra ngoài được. Rất nhiều người bị thể ẩn nhưng không có triệu chứng gì. Một số người có thể bị đau mạn tính, thỉnh thoảng có những đợt đau cấp.
Khi nghe đến bệnh gai đôi cột sống, nhiều người thường nghĩ ngay đến việc phẫu thuật cắt gai. Nhưng trên thực tế, trong trường hợp không có rối loạn thần kinh, người bệnh không cần điều trị gì cả. Nếu có triệu chứng, điều trị chủ yếu là nội khoa bảo tồn, chỉ phẫu thuật khi có biểu hiện chèn ép thần kinh, tổn thương khác trong ống tủy. Bạn nên xác định sẽ chung sống hòa bình với bệnh. Khi nào bị đau nhiều hoặc có biểu hiện chèn ép, rối loạn thần kinh thì cần đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc hoặc tư vấn cách điều trị.
Nếu bạn hay đau lưng, cần thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng và xoa bóp. Nếu vẫn đau lưng nhiều thì đi khám bác sĩ, nhưng cách điều trị chủ yếu vẫn là nội khoa, kết hợp với vật lý trị liệu. Những thuốc thường dùng là thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ, hoặc kết hợp dùng một số dụng cụ nâng đỡ như áo nẹp lưng... để giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh. Các phương pháp điều trị hỗ trợ gồm châm cứu, vật lý trị liệu. Bạn cần phải chú ý tập thể dục đều đặn, chơi các môn thể thao như bơi lội, thể dục nhịp điệu, yoga... để giúp giảm sức nặng của cơ thể lên cột sống. Nếu bạn bị gai đôi xương cụt và thắt lưng thì không nên tập các động tác xoay, vặn, cúi vì sẽ làm đau nhiều hơn. Bạn cũng cần lưu ý giữ cân nặng hợp lý, tránh để quá cân hay béo phì.
Trong thư bạn không cho biết đã được bác sĩ cho dùng thuốc gì. Tuy vậy, sau 1 tuần điều trị nếu không đỡ đau, bạn nên tái khám để được bác sĩ đánh giá lại tình trạng bệnh, có thể thay đổi liều dùng hoặc bổ sung hay thay thế loại thuốc khác nếu cần.
Chúc bạn mau khỏi!
Câu hỏi 2: Tôi bị gai đốt sống cổ thì nên uống thuốc gì? Bệnh này có nguy hiểm không? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi, xin cảm ơn!
Ảnh minh họa
BS. Nguyễn Thị Vân, Bộ y tế, trả lời:
Chào bạn,
Gai cột sống là sự phát triển thêm ra của xương đốt sống, đĩa sụn hoặc dây chằng quanh khớp.
Nguyên nhân bệnh:Viêm khớp cột sống mạn tính, sự diễn tiến của quá trình lão hóa, sự lắng đọng canxi ở các dây chằng hoặc gân tiếp xúc với đốt sống, tiền sử bị chấn thương làm hư hại xương hoặc khớp ở cột sống.
Gai cột sống khiến bệnh nhân đau thắt lưng, đau vai hoặc cổ, lan xuống cánh tay, tê tay..., đôi khi làm giới hạn vận động ở cổ, vai, thắt lưng.
Chiều dài của các gai không lớn và chỉ mọc ở mặt trước, hoặc mặt bên của cột sống, ít khi mọc ở phía sau, việc chèn ép của gai lên các bộ phận khác không nhiều, vì thế đa phần những người bị gai đôi cột sống sẽ không gặp trở ngại trong sinh hoạt và việc phẫu thuật cắt bỏ gai là không cần thiết. Phẫu thuật gai đôi cột sống chỉ được chỉ định trong các trường hợp gai quá lớn làm hẹp ống tủy hoặc chèn rễ thần kinh cột sống. Tuy nhiên, việc phẫu thuật cũng không thể triệt tiêu bệnh hoàn toàn, bởi vì gai có thể mọc lại.
Bệnh gai cột sống, phương pháp điều thích hợp nhất vẫn là châm cứu, vật lý trị liệu, tác động cột sống để tăng sự vận động các cơ khớp… Đồng thời bạn nên chăm chỉ tập thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, yoga, tránh lực mạnh tác động lên cột sống và bổ sung thực phẩm giàu canxi.
Chúc bạn vui khỏe!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!