Ông Thủy Lệ Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Đắk Lắk cho biết, dịch tả lợn Châu Phi chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, không bảo đảm thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân mua lợn giống không được đảm bảo, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch nên dễ mang mầm bệnh.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh trong đợt vừa qua thường xuyên xảy ra mưa, dẫn đến độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
Theo thống kê của Chi cục chăn nuôi tỉnh Đắk Lắk, đến đầu tháng 11/2020, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 90 hộ dân phân bố ở 66 thôn, 15 huyện với hơn 1.400 con (tương đương khoảng 66 tấn thịt) buộc cơ quan chức năng phải tiêu hủy.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, các địa phương đang có dịch chưa qua 21 ngày cần chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các đơn vị tuyến dưới phải thường xuyên thành lập các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương đang có dịch để nắm bắt, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý để ổ dịch được khống chế. Đối với những trường hợp giấu dịch, bán lợn bệnh, lợn chết ra thị trường, tiêu hủy lợn không đảm bảo làm lây lan dịch bệnh thì cần xử lí nghiêm.
Đàn lợn rừng của một hộ dân ở Đắk Lắk. Ảnh minh họa.
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát khiến cho tỉnh Đắk Lắk thiệt hại nghiêm trọng. Tổng số lợn bị bệnh, chết buộc phải tiêu hủy là hơn 45.000 con (tương đương khoảng 2.500 tấn thịt) trong năm 2019.
Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, cơ quan chức năng cũng đã đề xuất chi 87 tỉ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!