Chữa trị nhiễm giun thế nào?

Sống khỏe mạnh - 05/18/2024

Ăn rau sống nhiều, nhất là các loại rau thủy sinh thì không chỉ nhiễm giun còn có nguy cơ nhiễm sán.

Đi ngoài phân nát. Xin hỏi bác sĩ có phải do hay ăn rau sống nên tôi bị nhiễm giun. Làm thế nào phòng ngừa?

Nguyễn Văn Nam (namnguyen@gmail.com)

Ăn rau sống nhiều, nhất là các loại rau thủy sinh thì không chỉ nhiễm giun còn có nguy cơ nhiễm sán. Ở nước ta tỷ lệ nhiễm giun rất cao, giun đũa thường có tỷ lệ nhiễm cao nhất (trên 80%), giun kim (60-70%) sau đó là giun móc và giun tóc.

Nhiều người nhiễm 2-3 loại giun. Do sống tại ruột nên các loại giun đều sống nhờ vào các chất dinh dưỡng hoặc máu trong cơ thể. Giun đũa sống ở ruột non, ăn các chất dinh dưỡng, khi chúng sinh sản quá nhiều còn gây biến chứng tắc ruột, thủng ruột, áp-xe gan; Giun móc sống ở tá tràng nhờ hút máu, một con giun móc 1 ngày có thể hút 0,2ml máu, khi bị nhiễm thường bị hàng trăm con làm mất máu nhiều và gây thiếu máu nhanh chóng, có thể tử vong do thiếu máu tim và suy tim;  Giun kim và giun tóc thường sống ở ruột già thường xuyên gây rối loạn tiêu hóa, ngứa hậu môn và thiếu máu. Hiện nay, thuốc tẩy giun rất hiệu quả và dễ uống, tuy nhiên tùy loại giun, sán mà liều lượng thuốc dùng sẽ khác nhau.

Những loại giun thông thường như giun đũa, giun lươn, giun tóc… thì chỉ cần uống một liều duy nhất. Có thể định kỳ 6 tháng đến 1 năm tẩy một lần. Nếu giun móc, sán thì phải được theo dõi tẩy tại bệnh viện.

Để phòng ngừa nhiễm giun cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, nếu ăn rau sống cần dùng rau rạch, rửa nhiều lần dưới vòi nước chảy, không uống nước lã. Khám xét nghiệm phân tìm trứng giun để biết nhiễm loại giun nào, từ đó dùng thuốc thích hợp. Chú ý: người có bệnh viêm đại tràng thì không nên ăn rau sống.

BS. Nguyễn Văn Thịnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!