Hiện nay, ngày càng có nhiều người phải đối mặt với trách nhiệm chăm sóc khi người thân cao tuổi trong gia đình mắc những loại bệnh khác nhau như Alzheimer, ung thư hoặc các vấn đề tim mạch. Vì thế, những người vừa phải lo công việc vừa phải chăm sóc người thân bị bệnh rất dễ gặp phải chứng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh.
Việc chăm sóc người bệnh bao gồm một loạt các hoạt động như nấu nướng, giúp người bệnh ăn uống, vệ sinh, uống thuốc, tắm rửa và làm việc vặt. Hầu hết những người có trách nhiệm chăm sóc người bệnh đều là phụ nữ. Dù rằng việc chăm sóc cho người thân bị bệnh có thể giúp bạn tạo nên mối quan hệ khắng khít cùng người bệnh, tuy nhiên, việc này cũng có thể gây tổn hại đến sức khỏe của bạn cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Chứng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh là gì?
Chứng bệnh này chỉ tình trạng căng thẳng, mệt mỏi quá mức về mặt cảm xúc khi phải tiếp nhận trách nhiệm chăm sóc một người. Nó có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức. Ví dụ như khi phải liên tục săn sóc cho người thân mắc chứng sa sút trí tuệ có thói quen thường đi lang thang hoặc buồn bã, bạn có thể dễ cảm thấy nản lòng và cáu kỉnh. Hoặc bạn sẽ tự trách, phiền lòng nếu bạn cảm thấy bạn chăm sóc họ chưa đủ tốt. Tất cả những tác nhân trên đều có thể gây nên chứng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết nếu bạn đang gặp chứng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh
Trách nhiệm phải chăm sóc một ai đó có thể đặt bạn vào tình trạng quá tải và căng thẳng. Và nếu bạn trải qua một trong những triệu chứng sau, có thể bạn đang mắc phải tình trạng này:
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
- Tăng hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
- Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức hầu hết mọi lúc
- Không còn hứng thú tham gia những hoạt động mà bạn từng ưa thích
- Trở nên dễ cáu gắt hoặc giận dữ
- Thường cảm thấy buồn bã và suy nghĩ tiêu cực
- Đau đầu, nhức người hoặc gặp phải các vấn đề thể chất khác thường xuyên
- Lạm dụng rượu bia, thuốc kích thích – bao gồm cả những loại thuốc kê đơn.
Nếu tình trạng căng thẳng khiến cho bạn có xu hướng gây tổn hại đến người bạn đang chăm sóc cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, bạn cần dành cho bản thân thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy thu xếp việc chăm sóc người bệnh cho người thân, bạn sẽ phải đối diện với nhiều hậu quả ngoài ý muốn nếu luôn cố gắng quá sức chu toàn mọi thứ,
Chứng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
Nghiên cứu cho thấy rằng những người mắc chứng bệnh này thường (so với người bình thường):
- Có xu hướng gặp phải những triệu chứng như trầm cảm, lo âu
- Có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và viêm thấp khớp
- Có phản ứng hệ miễn dịch suy yếu – tình trạng có thể dẫn đến nguy cơ thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng, đồng thời tăng tỷ lệ gây bệnh ung thư
- Mắc bệnh béo phì ở mức nghiêm trọng hơn
- Có nguy cơ cao mắc phải chứng suy giảm về mặt tâm thần – bao gồm cả trí nhớ và khả năng tập trung.
Những biện pháp ngăn ngừa hoặc giảm bớt chứng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh
Đầu tiên, tuyệt đối không được xem nhẹ cảm giác căng thẳng. Chứng bệnh này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, vì thế bạn cần làm theo những biện pháp dưới đây càng nhiều càng tốt.
- Chấp nhận sự giúp đỡ từ bác sĩ, người thân, bạn bè
- Học cách nói “không” đối với những yêu cầu nhờ vả không cần thiết
- Thường xuyên trò chuyện và chia sẻ với gia đình, bạn bè để giải tỏa căng thẳng
- Tham gia khóa học để học cách chăm sóc người thân bị bệnh một cách hiệu quả
- Đi khám sức khỏe định kỳ
- Cố gắng giữ bản thân năng động, có một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì thói quen ngủ đủ giấc.
Mong rằng sau những chia sẻ này, bạn sẽ tránh hoặc thoát khỏi tình trạng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh. Hãy học cách điều tiết cảm xúc qua những môn thể thao như thiền, yoga – nó có thể giúp bạn kiểm soát tâm trạng đấy!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Những lo lắng về bệnh teo cơ sau đột quỵ
- Chứng căng thẳng khi chăm sóc người bệnh là gì?
- Mệt mỏi và sốt nhẹ là dấu hiệu của bệnh gì?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!