Dịch bệnh có nguy cơ bùng phát vì loài dơi ăn quả mang virus gây bệnh. (Ảnh: eurekalert)
Ngày 9/12, Liên minh các sáng kiến ứng phó dịch bệnh toàn cầu (CEPI) cảnh báo rằng virus Nipah lây truyền từ loài dơi có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh nghiêm trọng trong bối cảnh virus gây chết người này đã gây ra các đợt bùng phát trên khắp khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Giám đốc điều hành CEPI, Richard Hatchett nêu rõ: 'Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi phát hiện ra virus Nipah, song thế giới vẫn chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với mối đe dọa về sức khỏe trên toàn cầu do virus này gây ra.'
Theo ông, cho đến nay, sự bùng phát virus Nipah chỉ giới hạn ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, song virus này có nguy cơ trở thành dịch bệnh nghiêm trọng do loài dơi Pteropus chuyên ăn quả mang virus gây bệnh được phát hiện ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi cư trú của hơn 2 tỷ người.
Ông Hatchett cho biết virus Nipah cũng có thể lây truyền từ người sang người, nên về mặt lý thuyết, loại virus này cũng có thể lây lan vào các khu vực đông dân cư.
CEPI, một liên minh bao gồm các chuyên gia về dịch bệnh, các tổ chức dân sự... đã được thành lập năm 2017 để thúc đẩy hoạt động điều chế các loại vaccine phòng ngừa các bệnh lây nhiễm mới xuất hiện và chưa được biết tới, trong đó có virus Nipah. Hiện CEPI và Trường Y Duke-NUS đang đồng chủ trì hội nghị về virus Nipah từ ngày 9-10/12 tại Singapore.
Virus Nipah lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1999 trong đợt bùng phát dịch bệnh gây ảnh hưởng tới các nông dân chăn nuôi lợn cũng như những người có tiếp xúc với lợn mang mầm bệnh ở Malaysia và Singapore.
Hơn 100 người đã tử vong trong đợt dịch này và khoảng 1 triệu con lợn đã bị thiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Virus này lây lan sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với dơi, lợn hoặc những người mang mầm bệnh.
Có ít nhất 17 người tử vong trên tổng số 19 ca thông báo nhiễm bệnh trong đợt bùng phát dịch hồi năm ngoái ở Ấn Độ. Năm 2018, virus Nipah đã lan sang Bangladesh, gây ra một vài đợt bùng phát kể từ năm 2001.
Các trường hợp nhiễm virus này thường có nhiều triệu chứng giống cúm, gồm sốt, ho, đau đầu trong vòng từ 3-14 ngày. Chỉ khoảng 2 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, người bệnh nhiễm virus Nipah sẽ bị viêm phổi, suy hô hấp cấp tính hoặc gặp các triệu chứng thần kinh như co giật và hôn mê. Cho tới nay, chưa có cách nào điều trị căn bệnh này.
Hiện virus Nipal đang nằm trong danh sách mầm bệnh cần ưu tiên nghiên cứu và điều chế vaccine phòng ngừa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bên cạnh virus Ebola, Zika, MERS, Lassa và sốt xuất huyết Crimean-Congo./.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!