Theo độ tuổi và giới ta có các chỉ số huyết áp như sau, những người có trị số cao hơn và mang tính thường xuyên là cao huyết áp.
Cao huyết áp có 2 loại:Bệnh tăng huyết áp (maladie hypertensive) và cao huyết áp triệu chứng, trong đó huyết áp tăng là 1 triệu chứng của một bệnh khác. Ngoài ra còn có cách gọi khác là cao huyết áp nguyên phát và cao huyết áp thứ phát.
Bệnh tăng huyết áp(hay còn gọi là cao huyết áp nguyên phát, cao huyết áp vô căn):
Nguyên nhân chính của bệnh chưa được làm rõ, mặc dù chiếm phần lớn các trường hợp cao huyết áp (80 – 85 %), có một số yếu tố có thể góp phần gây ra bệnh:
- Tuổi tác:tuổi càng cao thì càng dễ bị tăng huyết áp, đặc biệt là huyết áp tâm thu, do động mạch trở nên cứng hơn.
- Tiền sử gia đình (tính di truyền): bệnh có khuynh hướng di truyền theo gia đình. Nam giới dễ bị cao huyết áp hơn nữ, người thừa cân (béo phì)
- Nhạy cảm với Natri (muối): một số người bị nhạy cảm với Natri (muối), huyết áp tăng cao nếu dùng muối, giảm lượng muối ăn vào có thể làm hạ huyết áp
- Uống rượu, thuốc tránh thai, một số loại thuốc kích thích (amphetamine)
Cao huyết áp thứ phát
Cao huyết áp thứ phát là do các bệnh cụ thể gây nên, cao huyết áp là 1 triệu chứng hoặc là biến chứng, căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của cao huyết áp chính là cơ chế bệnh sinh của bệnh đó.Các bệnh thường dẫn đến cao huyết áp là:
1. Bệnh thận
- Viêm cầu thận mạn:
Ảnh minh họa
Huyết áp tăng sau nhiều năm, đồng thời chức phận thận cũng giảm dần để đi đến cuối cùng là bệnh Brai (Bright): ure huyết cao, huyết áp cao, protein niệu, 50% bệnh nhân viêm cầu thận mãn có triệu chứng tăng huyết áp. Tăng huyết áp xuất hiện ngay từ đầu cùng với các triệu chứng của viêm cầu thận mạn tính, tăng huyết áp không thường xuyên, tăng từng đợt.
Trong bệnh viêm thận mãn, một quá trình tăng sinh phù nề xuất tiết ở cầu thận dẫn đến tăng tiết renin, hoạt hoá hệ thống RAA (renin angiotensin aldosterone) làm tăng huyết áp. Trong viêm cầu thận mạn có dấu hiệu hẹp động mạch thận làm giảm áp lực và số lượng máu đến cầu thận giảm gây phản xạ tăng huyết áp để tăng áp lực lọc ở cầu thận. Khi suy thận giai đoạn III, IV thì tỷ lệ trên 80% có cao huyết áp.
- Các bệnh thận khác như: viêm thận kẽ, hội chứng thận hư, hẹp động mạch thận do xơ cứng động mạch, teo thận bẩm sinh, thận đa nang cũng là nguyên nhân gây nên cao huyết áp.
2. Bệnh nội tiết
Tuyến thượng thận - Ảnh minh họa
- U tủy thượng thận (pheocromocytome): Cơn tăng huyết áp kịch phát (hoặc một số ít thường xuyên kéo dài) do khối u tiết quá nhiều catecholamin (adrenalin và noradrenalin), chúng trực tiếp làm tăng huyết áp.
Bệnh có cơn tăng huyết áp kịch phát:đa số xảy ra đột ngột, một số trường hợp tăng huyết áp thường xuyên nhưng thỉnh thoảng có cơn tăng huyết áp kịch phát trên nền một cao huyết áp thường xuyên. Xét nghiệm máu: Catecholamin máu tăng > 1000 mg/24h. Adrenalin > 100 mg/24h, noradrenalin > 250 mg/24h
- Hội chứng Cơt - sinh (cushing): Là tình trạng cường chức năng vỏ thượng thận tiên phát gây tăng tiết quá nhiều glucocorticoid, (nếu do u hoặc cường tiết ACTH của thùy trước tuyến yên gọi là bệnh Cushing).
Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới, tăng huyết áp thường xuyên, liên tục, cả huyết áp tâm thu và tâm trương, tăng huyết áp lâu ngày nếu không được điều trị tích cực có thể đưa đến các biến chứng mắt, thận, tim, não gây tàn phế và tử vong.
- Hội chứng Conn:Tăng aldosteron tiên phát, do tăng sản vỏ thượng thận
Triệu chứng:tăng huyết áp, hạ kali máu và kiềm chuyển hoá thứ phát do tăng mineralocorticoid.
3. Bệnh tim mạch
Ảnh minh họa
- Bệnh xơ mỡ động mạch (Atherosclerosis):Hai quá trình thoái hóa và tăng sinh cùng diễn ra ở thành mạch, làm cho thành mạch dày lên và xơ cứng, mất tính đàn hồi và hẹp lòng mạch, cản trở tuần hoàn gây nên tăng huyết áp
- Hở lỗ động mạch chủ ( số tối đa tăng và số tối thiểu hạ, số chênh lệch tăng lên), hẹp eo động mạch chủ.
4. Cao huyết áp thai kỳ
Thường xuất hiện vào nửa sau thai kỳ (sau 20 tuần mang thai) và khỏi hoàn toàn khi hết thời kỳ hậu sản (12 tuần sau đẻ), huyết áp chỉ tăng nhẹ (tối đa dưới 140 mmHg) và không kèm theo các dấu hiệu bệnh lý khác. Khi có thai huyết áp cao thêm là do sự thải ra một loại hoóc-môn được gọi là angiotensin từ protein nguồn của chúng (angiotensinogen). Hoóc-môn này kết hợp với renin (thận tố) làm tăng huyết áp.
Cũng trong trường hợp thai nghén, huyết áp có thể tăng đột biến vào những tuần cuối, trong bệnh cảnh ngộ độc thai nghén (tiền sản giật, sản giật)
BS. Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!