Một ngày cuối năm, đeo bên hông chiếc xắc xinh xinh, đội chiếc nón, cô gái Lê Thị Diễm (20 tuổi, ngụ Bạc Liêu) nhảy điệu chân sáo, nắm chặt tay mẹ đến Khoa ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM tái khám. Hai mẹ con liên tục cười đùa vui vẻ.
Không dám nghĩ con sống được bao lâu nữa
Hầu như những ai điều trị lâu dài tại khoa hoặc các điều dưỡng, bác sĩ ở đây đều biết trường hợp của Diễm vì khối u của em không phải bình thường mà nặng tới 50 kg. Kỳ lạ là Diễm đã chung sống với căn bệnh và khối u lớn lên từng ngày từ khi mới sinh ra. Diễm được các bác sĩ Khoa ngoại 1 giải thoát khỏi khối u này cách đây tám tháng.
Không ai nghĩ hình ảnh cô gái đến khoa với cái bụng to như sắp vỡ với cô gái nhanh nhẹn, nhỏ nhắn hôm nay là một. Thay bằng nhịp thở khó nhọc, tiếng nói đứt hơi ngày nào là giọng cười trong trẻo, lanh lảnh.
Chị Đỗ Thị Mười - mẹ Diễm cho hay lúc mới sinh ra, Diễm đã có một tay to tay nhỏ và bụng ngày càng to, được chẩn đoán là bướu bạch mạch bẩm sinh. Dù chị đã đưa con đi chữa trị nhiều nơi nhưng không nơi nào dám phẫu thuật nên đành 'sống chung với lũ'. Nhiều lần đi bán vé số, Diễm còn bị ngất xỉu giữa đường.
Cách đây hơn chín tháng, khi tìm được đến BV Ung bướu TP.HCM, tình hình của Diễm đã rất nguy kịch do khối bướu chèn ép tim, phổi nhưng mổ cũng chưa chắc đã cứu được. 'Con thở khó khăn, lỗ chân lông bắt đầu rỉ nước. Lúc đó tôi cũng không dám nghĩ tới con còn sống được bao lâu nữa. Con nói với tôi dù mổ có xảy ra chuyện gì con cũng chấp nhận' - chị Mười nhớ lại.
Diễm trước khi mổ với khối u 50 kg và hiện tại. Ảnh: HL
'Chân em như muốn bay'
BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại 1, cho biết lúc đến khám ở bệnh viện, bé đã ở trong tình trạng rất nguy kịch nên ngay lập tức được tiến hành cấp cứu, lên phương án điều trị. 'Bụng bé to như một quả bong bóng bị bơm nước, dịch ép vào tim, phổi nên bé thở rất khó nhọc' - BS Tiến miêu tả.
Một cuộc hội chẩn toàn viện và một số bệnh viện lớn nghi bé bị dò dưỡng trấp bẩm sinh. Kết quả xét nghiệm dịch ổ bụng cho ra kết quả tương tự. Khai thác bệnh sử, năm chín tuổi bé từng được mổ u nang buồng trứng nên được chuyển Khoa ngoại 1 để điều trị. 'Không mổ thì bé chắc chắn sẽ chết. Chi bằng nắm lấy hy vọng cứu sống bé dù chỉ là mong manh thôi' - BS Tiến kể lại quyết định táo bạo của mình.
Nhận định nếu rút hết dịch ra cùng một lúc, bé có nguy cơ không qua khỏi nên các bác sĩ đã cùng hội chẩn, nghĩ ra phương án hút dịch từ từ cho cơ thể thích ứng với việc này. Trong vòng 10 ngày, bé đã được rút ra khỏi cơ thể mỗi ngày 2-3 lít dịch, đến khi bước lên bàn mổ, bé tiếp tục được hút ra 20 lít nữa. Tổng cộng 50 lít dịch đã được rút ra. Sau ca mổ, bé hồi phục khá kỳ diệu khi chân hết phù, bụng xẹp, hết dò dịch.
Hiện tại, dù triệu chứng bệnh bẩm sinh vẫn còn như phù tay voi nên bé vẫn phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để giảm lượng dò dưỡng trấp và tái khám đều đặn.
'Nhiều khi em nằm mơ, em thấy bụng mình xẹp mất, em được chạy chơi với với các bạn' - Diễm kể ước mơ lớn nhất của mình từ khi có nhận thức về căn bệnh. Trong khi các bạn cùng lứa có thể chơi các trò vận động đá banh, nhảy dây, đá cầu thì em chỉ biết đứng nhìn. 'Mỗi lần tết đến, các chị em đều được mẹ dẫn đi mua đồ còn em thì bụng to quá, phải cắt may đồ bầu. Năm nào không cắt may kịp thì không có đồ tết' - Diễm kể.
Chưa hết, mỗi lần ra đường đi bán vé số, rất nhiều ánh mắt tò mò, nghi ngại về cái bụng to của em. 'Người ta kêu em là bé bầu, bé bụng bự, đó là người ta chưa hiểu nên em phải giải thích là em không có bầu mà em bị bệnh' - Diễm nhớ lại.
Sau ca mổ, dù được giải thoát khỏi khối u 50 kg nhưng Diễm vẫn phải tái khám đều đặn vì căn bệnh bẩm sinh vẫn còn. Tuy nhiên, đối với Diễm, cuộc sống của em đã hoàn toàn đổi khác và tươi sáng hơn. 'Tỉnh dậy sau ca mổ, bước chân xuống giường, em cảm thấy chân mình nhẹ tênh, đi hổng chân luôn, cảm tưởng như muốn bay. Lúc đó em tưởng tượng mình là tiên' - Diễm kể giây phút mình không thể quên được trong cuộc đời.
Lần đầu tiên em có thể tự mình đi chọn những bộ đồ vừa ý của mình mà không phải cắt may nữa. Đến đêm em có thể ngủ thoải mái hơn. 'Trước đây, khi còn mang khối bướu, em toàn phải ngủ ngồi mà nay em có thể lăn lộn được khắp giường' - Diễm vui vẻ kể.
Đặc biệt, em còn có thêm một người 'cha nuôi' là BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại 1, người quyết định ca mổ thay đổi cuộc đời em. BS Tiến cũng là người vận động hỗ trợ chi phí ca mổ và giúp em có một số vốn sau ca mổ. Với số vốn này, em dự định sẽ học làm bánh kem và mở một tiệm bánh nho nhỏ, kết thúc những chuỗi ngày lênh đênh lê cái bụng đi khắp nơi bán vé số. 'Bác Tiến như người cha thứ hai tạo ra em, khi em sắp chết, bác Tiến ban cho em cuộc sống mới. Em rất là vui khi được sống kiếp làm người mới' - Diễm nghẹn ngào xúc động.
Biệt danh 'bé ễnh ương'
Từng tiếp xúc và phẫu thuật những ca mang khối u khổng lồ nhưng BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại 1, vẫn không khỏi bất ngờ với khối u 50 kg mà cô gái nhỏ nhắn đang mang. 'Bình thường, những người mang khối u to từ 30 đến 40 tuổi trở lên. Cô gái còn rất trẻ nhưng phải mang cái bụng rất to, mà toàn thấy cái bụng không, khi khám bé đưa hết cái bụng ễnh ra sau khiến ai cũng kinh sợ. Em thở gấp tưởng sắp đuối đến nơi nên chúng tôi mới đặt biệt danh cho bé là bé ễnh ương' - BS Tiến kể lại.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!