Có nên thắt 1 phần dạ dày để điều trị béo phì?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

GS.TS. Trần Bình Giang, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc trung tâm phẫu thuật nội soi về vấn đề này.

Theo thống kê, ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Có rất nhiều các phương pháp đã được triển khai để điều trị căn bệnh này, trong đó phải kể đến phương pháp phẫu thuật. Để hiểu thêm về phương pháp điều trị này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Trần Bình Giang, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc trung tâm phẫu thuật nội soi về vấn đề này.

Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức được biết đến là một trong những địa chỉ phẫu thuật điều trị béo phì tin cậy của nhiều bệnh nhân. Vậy Bệnh viện đã áp dụng phương pháp điều trị này từ bao giờ và hiệu quả ra sao, thưa giáo sư?

 Để điều trị béo phì, ngoài điều trị bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, chế độ luyện tập…, còn có phương pháp phẫu thuật. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng tỏ rằng, phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả cho 80% bệnh nhân béo phì. Phẫu thuật điều trị béo phì đã được áp dụng từ khá lâu trên thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam đến năm 2007 phương pháp điều trị này mới được thực hiện. Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện đầu tiên áp dụng phương pháp điều trị béo phì bằng phẫu thuật cho bệnh nhân và đạt hiệu quả cao. Cho đến nay, Bệnh viện đã điều trị thành công cho hơn 200 bệnh nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã điều trị cho 32 bệnh nhân. Hiện nay rất nhiều bệnh nhân lựa chọn Bệnh viện Việt Đức là nơi điều trị béo phì bằng phương pháp phẫu thuật.

Có nên thắt 1 phần dạ dày để điều trị béo phì?

GS. TS. Trần Bình Giang

Tại Bệnh viện Việt Đức đã và đang áp dụng điều trị béo phì bằng những phương pháp phẫu thuật nào, thưa giáo sư?

Phẫu thuật chữa bệnh béo phì có nhiều phương pháp khác nhau, chỉ định cho từng trường hợp cụ thể. Các kỹ thuật bao gồm: dùng đai thắt dạ dày (gastric banding), cắt tạo hình dạ dày hình ống (sleeve gastrectomy), các phẫu thuật đảo dòng tá tràng, đặt bóng dạ dày... Hiện nay ở Bệnh viện Việt Đức chủ yếu thực hiện hai phương pháp: phương pháp dùng đai thắt dạ dày và phương pháp cắt tạo hình dạ dày hình ống.

Phương pháp dùng đai thắt dạ dày là kỹ thuật dùng một chiếc đai đặt vòng quanh phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ đựng thức ăn chỉ còn khoảng 40-50ml. Người bệnh sẽ ăn ít đi nhưng sẽ thấy no nhanh hơn dù chỉ ăn được lượng thức ăn vừa đủ để làm căng phần dạ dày rỗng đó, thậm chí không còn có nhu cầu ăn. Tuy nhiên, thực tế cơ thể vẫn cần năng lượng để tồn tại, do đó, lượng mỡ dư thừa lúc này sẽ được sử dụng, khiến trọng lượng cơ thể giảm đi nhanh chóng.

Một phương pháp khác nữa là cắt tạo hình dạ dày hình ống chỉ để lại 1 phần nhỏ của dạ dày. Gần đây phương pháp này được áp dụng nhiều, đặc biệt là những người thừa cân mà có bệnh đái tháo đường. Lúc đầu người ta sử dụng phương pháp này để điều trị cho những người béo phì. Sau đó, người ta nhận thấy những bệnh nhân đái tháo đường khi phẫu thuật điều trị béo phì thì tỷ lệ khỏi bệnh đái tháo đường rất cao. Vì thế, người ta đã sử dụng biện pháp này để  đều trị cho những người đái tháo đường mà có thừa cân béo phì.

Có nên thắt 1 phần dạ dày để điều trị béo phì?

Một ca phẫu thuật điều trị béo phì tại Bệnh viện Việt Đức.

Giáo sư có thể cho biết những lợi ích và nguy cơ của phương pháp phẫu thuật trong điều trị béo phì là gì?

Phương pháp đặt vòng để thắt dạ dày:có ưu điểm là không phải cắt đi phần nào của ống tiêu hóa mà chỉ đưa một vòng đai bằng chất liệu đặt biệt, có buồng chứa để thay đổi thể tích đặt vòng quanh phần trên dạ dày. Phương pháp này được tiến hành bằng kỹ thuật nội soi đơn giản, ít tai biến, khá tiện lợi vì có thể điều chỉnh kích thước của đai thắt theo yêu cầu. Nếu sau này bệnh nhân không muốn đặt vòng nữa thì có thể dễ dàng tháo ra để dạ dày trở lại bình thường mà không gây ảnh hưởng gì.  Các thống kê trên thế giới đã chỉ ra, đây là phương pháp đơn giản, có thể đảo ngược và mang lại hiệu quả cao.

Trẻ béo phì có nguy cơ bị cao huyết áp khi trưởng thành (Việt hóa bởi Songkhoe.vn)

Tuy nhiên, phương pháp này sẽ gây khó chịu cho người bệnh bởi chế độ ăn của người bệnh rất hà khắc. Do chiếc vòng thắt lại nên bệnh nhân chỉ ăn được rất ít, kham khổ và tuân thủ theo chế độ của bác sĩ chỉ định. Chế độ ăn cho người đặt vòng giảm béo cần theo một chế độ nghiêm ngặt. Bệnh nhân ăn 2 đến 3 bữa một ngày vào thời điểm nhất định, không ăn vặt; chỉ uống nước giữa các bữa ăn, không vừa uống vừa ăn, phải nhai rất kỹ và ăn chậm, không ăn các chất giàu dinh dưỡng dạng lỏng. Bên cạnh đó, cần lưu ý có một chế độ ăn đa dạng, phong phú, đủ chất.

Biến chứng của đai thắt dạ dày là rất ít. Có thể bị trượt vòng cấp tính hay mạn tính, xâm nhập vòng vào trong dạ dày, vòng quá rộng không có tác dụng.

Với phương pháp cắt dạ dày hình ống: Hiệu quả về mặt điều trị béo phì khá tốt đồng thời lại có hiệu quả về mặt  điều trị rối loạn chuyển hóa đường và việc ăn uống của người bệnh tương đối ổn định hơn. Người bệnh vẫn có thể ăn uống bình thường. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp phẫu thuật này là phải “động dao kéo”, cắt vào đường tiêu hoá, có thể dẫn đến nguy cơ tai biến trong phẫu thuật. Ngoài ra, đây là phẫu thuật không thể đảo ngược. Phần dạ dày đã cắt không thể lấy lại được. Bên cạnh đó, cùng một phần dạ dày, với người này thì hợp lý nhưng với người khác có thể lại không, gây ra quá gầy hoặc ngược lại, vẫn không thể giảm cân. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm phẫu thuật của người thầy thuốc.

Có nên thắt 1 phần dạ dày để điều trị béo phì?

Tỷ lệ người béo phì đang tăng lên

Hiệu quả của hai phương pháp này là như nhau. Ngoài ra còn những phương pháp khác lại có ảnh hưởng  rất lớn đến cơ thể, chỉ áp dụng cho những người bị béo phì nặng thì ở Bệnh viện Việt Đức chưa áp dụng. Tất cả các phương pháp trên đều dựa trên nguyên lý đơn giản là giảm hấp thu thức ăn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn duy trì được nếp sinh hoạt, ăn uống ít thay đổi mà vẫn giảm cân.

Hiện nay, dường như  phẫu thuật giảm béo đang là xu hướng. Theo giáo sư có nên coi đây là một phương pháp giảm béo hữu hiệu?

Theo các nghiên cứu trên thế giới, khi dùng phương pháp mổ để chữa béo phì đã làm giảm 45% tỉ lệ tử vong ở các bệnh nhân béo phì có mắc bệnh về tim mạch,  giảm đến 90% tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân có liên quan đến các rối loạn chuyển hóa.

Tuy nhiên, không phải cứ béo là có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật này. Người bệnh phải hiểu đây là phương pháp chữa bệnh cần thiết chứ không phải phương pháp thẩm mỹ. Chỉ dùng phương pháp này cho bệnh nhân béo phì chứ không mổ cho bệnh nhân thừa cân. Những người được chỉ định điều trị béo phì bằng phẫu thuật phải là bệnh nhân béo phì ở mức độ bệnh lý, tuổi dưới 65, có chỉ số BMI ≥ 40 (ở người châu Âu) và ≥ 35 (ở người châu Á) kèm bệnh phối hợp (tăng huyết áp, đái tháo đường, đau khớp, bệnh lý hô hấp, tăng cholesterol…); bệnh nhân sau khi điều trị bằng các phương pháp khác thất bại, điều trị nội khoa ít nhất trên 1 năm.

Ở những bệnh nhân béo phì nặng, phẫu thuật giảm béo mang lại kết quả vượt trội so với các phương pháp không phẫu thuật về khả năng giảm cân và tính ổn định. Tùy thuộc vào loại hình phẫu thuật, bệnh nhân có thể giảm khoảng 50-60% trọng lượng cơ thể dư thừa và sau đó duy trì khả năng giảm cân khoảng 40% sau vài năm.

Có nên thắt 1 phần dạ dày để điều trị béo phì?

Để điều trị béo phì, tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt là cực quan trọng

Trong điều trị bệnh là khả năng chữa hoặc cải thiện bệnh tiểu đường ở những bệnh nhân béo phì. Điều này đơn giản do bệnh tiểu đường ở bệnh nhân béo phì rất phổ biến nên dễ đáp ứng với phẫu thuật.

Chống chỉ định với những trường hợp khi không mổ nội soi được do nhiều nguyên nhân, mổ cũ dính trong bụng, gan quá phì đại, bệnh nhân bị loét dạ dày-tá tràng.

Là người đã từng phẫu thuật điều trị cho rất nhiều ca béo phì, giáo sư có lời khuyên gì cho những bệnh nhân này?

Phẫu thuật chỉ là một phần rất nhỏ trong cả quá trình điều trị béo phì. Người bệnh trước khi phẫu thuật nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Nên nhớ, chỉ phẫu thuật khi các trị liệu khác thất bại. Phẫu thuật béo phì muốn thành công cũng đòi hỏi bệnh nhân phải áp dụng một chế độ ăn uống khoa học và duy trì thói quen lành mạnh suốt đời.

Điều trị bệnh béo phì là một liệu trình điều trị toàn diện cả chế độ sinh hoạt, điều trị nội khoa, điều trị tâm lý và điều trị ngoại khoa. Ngoài ra bệnh  nhân cần kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện điều độ.

Đối với những người béo phì, cần xác định béo ở mức độ nào và có kèm theo bệnh lý gì không để có chỉ định điều trị cụ thể.

Với những người thừa cân, nên  sử dụng các biện pháp để giảm cân như tập thể dục thể thao, có chế độ ăn hợp lý (không phải nhịn ăn hoàn toàn hoặc tuyệt đối ăn một chất gì đó).

Giữ được tỷ lệ các chất trong bữa ăn hợp lý, cân bằng. Hiện nay, có nhiều chế độ ăn người ta bỏ hoàn toàn tinh bột. Như vậy là sai, vì tinh bột chuyển thành đường - một trong những chất cực kỳ quan trọng với cơ thể, đặc biệt với não.  Tuyệt đối không được bỏ tinh bột, chỉ nên giảm. Bên cạnh đó, tăng cường thực phẩm giàu vitamin (như rau xanh) trong các bữa ăn.

Có nên thắt 1 phần dạ dày để điều trị béo phì?

Để điều trị béo phì, còn cần tập luyện khắt khe và đều đặn

Với người thừa cân, cần tập  luyện đều đặn. Còn đối với người béo phì, nếu đã điều  trị bằng nội khoa, bằng chế độ ăn giảm mà không có tác dụng trong vòng 1 năm thì hãy nghĩ đến chuyện điều trị bằng phẫu thuật.

Những người béo phì có kèm theo các bệnh như gan nhiễm mỡ, đái tháo đường typ 2 thì nên mổ. Theo nghiên cứu của thế giới cũng như của Bệnh viện Việt Đức, có tới 65-70% số người đái tháo đường typ 2 sau mổ béo phì đã khỏi bệnh đái tháo đường hoặc giảm mức đái tháo đường.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

>> Xem thêm: Béo phì gây 8 loại ung thư

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!