Cơ xương khớp

Bệnh A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu về bệnh cơ xương khớp trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Định nghĩa

Định nghĩa

Bệnh rối loạn cơ xương khớp là gì?

Rối loạn về cơ xương khớp là một tình trạng suy yếu chức năng của các khớp, dây chằng, cơ bắp, thần kinh, gân và xương sống. Hệ thống cơ xương của bạn đóng vai trò quan trọng để tạo ra bộ khung chơ cơ thể. Rối loạn về cơ xương thường là các bệnh thoái hóa, có nghĩa là những bệnh làm cho các mô cơ thể của bạn bị phá hủy khi bạn già đi. Điều này có thể dẫn đến đau và làm giảm khả năng di chuyển, kết quả là có thể ngăn cản bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày của bạn.

Rối loạn về cơ xương khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của bạn. Các vùng thường gặp nhất là cổ, vai, cổ tay, lưng, hông, chân, đầu gối và bàn chân. Một số rối loạn phổ biến bao gồm:

  • Đau thắt lưng;
  • Đau cơ xơ hóa;
  • Bệnh gút;
  • Thoái hóa khớp;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Viêm gân.

Triệu chứng và dấu hiệu

Triệu chứng và dấu hiệu

Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh rối loạn cơ xương khớp là gì?

Rối loạn cơ xương khớp cũng gây ra tình trạng viêm ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Những người bị rối loạn cơ xương khớp có thể cảm thấy đau ở toàn bộ cơ thể của họ. Các cơ trong cơ thể có cảm giác như bị đốt hoặc vặn xoắn như thể là chúng đang làm việc quá sức hoặc bị kéo dãn ra. Các triệu chứng sẽ khác nhau từ người này sang người khác, nhưng những dấu hiệu và triệu chứng thông thường bao gồm:

  • Đau/đau khi ấn;
  • Mệt mỏi;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Viêm, sưng, đỏ;
  • Giảm phạm vi chuyển động của khớp;
  • Mất chức năng hoạt động của khớp;
  • Ngứa ran;
  • Tê hoặc cứng cơ, khớp;
  • Cơ yếu hoặc giảm lực cầm nắm.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn cơ xương khớp là gì?

Do cơ xương khớp bao gồm nhiều bộ phận trên cơ thể của chúng ta, vì vậy nguyên nhân gây đau cơ xương rất đa dạng. Nguyên nhân chính xác của đau phụ thuộc vào:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có nhiều khả năng bị đau cơ do các bộ phần đang bị lão hóa;
  • Nghề nghiệp: Một số công việc đòi hỏi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại hoặc phải duy trì những tư thế không tốt cho sức khỏe sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các rối loạn cơ xương khớp;
  • Mức độ hoạt động: Sử dụng quá nhiều cơ bắp hoặc không hoạt động ví dụ như ngồi cả ngày có thể gây ra rối loạn cơ xương khớp;
  • Lối sống: Các vận động viên thường có nhiều nguy cơ mắc phải rối loạn cơ xương khớp.

Các mô cơ thể bị hư hỏng và hao mòn do quá trình hoạt động hằng ngày. Ngoài ra, chấn thương do một tai nạn xe hơi, té ngã, cũng có thể gây ra đau cơ xương khớp. Những nguyên nhân khác bao gồm đau do đứng hay ngồi ở tư thế cột sống không thẳng trong một thời gian dài.

Nguy cơ mắc bệnh

Nguy cơ mắc bệnh

Những ai có nguy cơ mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp?

Rối loạn cơ xương khớp thường xảy ra khi bạn hoạt động một nhóm cơ hoặc khớp trong một thời gian dài mà không nghỉ ngơi. Sau đây là những hoạt động có thể làm bạn tăng nguy cơ xuất hiện các rối loạn về cơ xương khớp:

  • Dùng nhiều lực: Sử dụng lực để làm những động tác như nâng, đẩy, kéo hoặc chở các vật nặng;
  • Hoạt động lặp lại: Vận động lặp đi lặp lại một nhóm cơ nào đó;
  • Vận động sai tư thế: Uốn hoặc vặn vẹo cơ thể của bạn trong một thời gian dài;
  • Rung: Một số công cụ và thiết bị làm cơ thể bạn rung lên trong quá trình bạn làm việc.

Các hoạt động và thể thao đòi hỏi chúng ta phải tác dụng một lực nhất định. Khi bạn cố gắng tạo ra một lực lớn hơn so với khả năng của cơ thể có thể chịu đựng được, các tổn thương khớp sẽ xảy ra, ngoài ra việc lặp đi lặp lại các hoạt động cũng có thể gây ra tổn thương lên cơ xương khớp.

Khi bạn phải thực hiện một hoạt động nào đó lặp đi lặp lại, hãy nghĩ ngơi một chút để những nhóm cơ được sử dụng có thời gian hồi phục. Ngay cả khi thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng nhưng có lặp đi lặp lại, ví dụ như đánh máy, cũng vẫn có thể dẫn đến mệt mỏi, tổn thương mô, và cuối cùng, gây đau và khó chịu. Nguy cơ phát triển rối loạn cơ xương sẽ tăng khi tốc độ của hành động tăng lên, hoặc khi bạn ở tư thế không tốt.

Tư thế xấu là tư thế cơ thể khác nhiều với tư thế trung lập. Tư thế trung lập là tư thế làm việc ít bị mệt mỏi nhất. Tư thế trung lập có các đặc điểm sau:

  • Cổ và lưng được giữ thẳng và không bị xoắn;
  • Cánh tay để cạnh bên thân mình;
  • Cổ tay thẳng và thẳng hàng với cánh tay;
  • Ngón tay cong tự nhiên.

Việc bắt buộc các khớp xương của bạn phải duy trì tư thế không tự nhiên sẽ làm gia tăng sự căng thẳng lên các cơ, gân và dây chằng quanh khớp.

Một số công việc cần phải sử dụng một lực lớn. Ví dụ như, nâng những vật nặng có thể gây áp lực lên lưng của bạn và có khả năng gây hại cho cả các đĩa sống và các đốt sống.

Bạn có thể vô tình gây áp lực lên các khớp xương của bạn trong khi làm việc, chẳng hạn như bạn đặt cùi chỏ và bàn tay lên bàn, tư thế này cũng có khả năng gây tổn thương cho dây chằng, cơ bắp, mạch máu và dây thần kinh dưới da.

Làm việc với các thiết bị nặng và có độ rung có thể dẫn đến rối loạn cơ xương. Các công cụ như dao cạo râu, máy mài, máy đánh nhám, hoặc máy kéo và thiết bị thi công có thể ảnh hưởng đến các mạch máu và dây thần kinh ở bàn tay, cánh tay của bạn hoặc toàn bộ cơ thể của bạn. Sau một thời gian dài có thể dẫn đến các rối loạn về cơ xương

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rối loạn cơ xương khớp?

Bác sĩ sẽ khám bệnh và hỏi bệnh để tìm ra nguyên nhân chính xác gây đau cho bạn. Bác sĩ của bạn có thể kiểm tra cơ và khớp xương của bạn để tìm các dấu hiệu như:

  • Yếu cơ;
  • Những dấu hiệu cơ giật vặn xoắn gợi ý do nguyên nhân thần kinh;
  • Vùng sưng đỏ.

Ngoài ra, tùy thuộc vào các rối loạn cụ thể, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để xác định chẩn đoán. Họ có thể chụp X-quang để nhìn vào xương, hoặc xét nghiệm máu để xác định bệnh thấp khớp.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnhrối loạn cơ xương khớp?

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của cơn đau, có những phương pháp điều trị khác nhau cho các rối loạn cơ xương khớp.

Đối với đau nhẹ hoặc thỉnh thoảng, bạn có thể dùng các thuốc giảm đau như ibuprofen hay paracetamol. Các thuốc kháng viêm không chứa steroid có thể được sử dụng để điều trị viêm và đau.

Với cơn đau nặng hơn, bạn có thể cần thuốc giảm đau mạnh hơn sẽ cần phải có toa của bác sĩ. Đối với tình trạng đau liên quan đến công việc, vật lý trị liệu có thể giúp bạn tránh bị tổn thương thêm và làm giảm đau.

Phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:

  • Kỹ thuật thư giãn;
  • Tiêm với các thuốc gây tê hoặc thuốc chống viêm;
  • Tập các bài tập thể dục giúp tăng cường sức cơ và dãn cơ;
  • Vật lý trị liệu cột sống;
  • Xoa bóp chữa bệnh.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh rối loạn cơ xương khớp?

Bạn có thể tự điều trị rối loạn cơ xương bằng cách làm giảm các yếu tố nguy cơ của bạn và ngăn ngừa chấn thương. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn ngăn ngừa và cải thiện tình trạng bệnh rối loạn cơ xương khớp:

  • Đặt các vật dụng bạn hay sử dụng ở những nơi bạn có thể lấy dễ dàng mà không cần phải vươn tay ra;
  • Dùng các loại ba lô túi xách có chức năng đẩy dưới đất, không nên dùng các loại cặp đeo;
  • Sử dụng những công cụ giúp bạn có thể dễ dàng cầm nắm vật mà không phải tốn quá nhiều lực;
  • Hãy nghỉ ngơi giữa những hoạt động lặp đi lặp lại hoặc bạn có thể làm mọi thứ liên tục nhưng phải thật từ từ;
  • Nếu bạn cần phải ngồi trong một thời gian dài, hãy sử dụng loại ghế có lưng dựa;
  • Sắp xếp khu vực làm việc của bạn thật khoa học, ví dụ như khu vực để bút và điện thoại nằm phía bên trái hay bên phải phụ thuộc vào tay thuận của bạn, nhờ đó làm giảm những động tác vươn tay;
  • Nên sử dụng các tai nghe bluetooth nếu bạn dùng điện thoại thường xuyên;
  • Không nên nâng những vật quá nặng và luôn theo dõi để nhận ra những dấu hiệu chấn thương sớm nhất có thể.

Nhìn chung, bạn nên sử dụng những thiết bị hỗ trợ lao động để ngăn ngừa thương tích tại nơi làm việc. Đồng thời người sử dụng lao động nên đưa ra một bảng nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động để tránh chấn thương xảy ra trong quá trình làm việc.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hoặc phương pháp điều trị.

Review Date: July 25, 2016 | Last Modified: July 25, 2016

Nguồn tham khảo

MSD risk factors and control measures. http://www.mohawkcollege.ca/Page4894.aspx Ngày truy cập 16/09/2015

Musculoskeletal disorders. http://www.cdc.gov/niosh/programs/msd/ Ngày truy cập 16/09/2015

Pain management: musculoskeletal pain. http://www.webmd.com/pain-management/guide/musculoskeletal-pain Ngày truy cập 16/09/2015

Musculoskeletal disorders. http://www.healthline.com/health/musculoskeletal-disorders#Definition1 Ngày truy cập 16/09/2015

Understanding Fixed or Awkward Postures. http://www.labour.gov.on.ca/english/hs/pubs/pains/posture.php Ngày truy cập 16/09/2015

Understanding force. http://www.labour.gov.on.ca/english/hs/pubs/pains/force.php Ngày truy cập 16/09/2015

Understanding repetition. http://www.labour.gov.on.ca/english/hs/pubs/pains/repetition.php Ngày truy cập 16/09/2015

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!