Ngoài dùng làm gia vị thơm ngon cho món ăn, cây sả còn là một nguyên liệu dùng để chữa bệnh rất hiệu quả.
Các món ăn có thêm mùi của cây sả đều trở nên thơm ngon hấp dẫn. Có thể coi sả là một gia vị giúp món ăn dậy mùi vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, sả còn mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh khá tốt.
Một số công dụng tuyệt vời của cây sả
Cây sả được dùng để điều trị các chứng co thắt đường tiêu hóa, đau dạ dày, cao huyết áp, co giật, đau nhức, nôn mửa, ho, đau khớp (bệnh thấp khớp), sốt, cảm lạnh thông thường và mệt mỏi. Ngoài ra, người ta cũng sử dụng sả để diệt vi sinh vật (mầm bệnh) và như một chất làm săn chắc da dạng nhẹ.
Một số người thoa trực tiếp sả hay tinh dầu sả lên vùng da bị đau để trị các chứng đau đầu, đau dạ dày, đau bụng và đau cơ bắp.
Ngoài ra, tinh dầu sả cũng được sử dụng làm hương liệu trị chứng đau cơ khi dùng trong các loại đèn xông tinh dầu.
Trong thức ăn và thức uống, cây sả cũng là một loại gia vị giúp tạo hương. Nhiều người thường dùng lá sả để tạo hương vị trong các loại trà thảo dược.
Trong ngành sản xuất, sả thường được dùng tạo mùi hương cho xà phòng và dụng cụ trang điểm. Người ta còn dùng xả để tạo ra vitamin A và citral tự nhiên.
Cơ chế hoạt động của sả
Cây sả có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của một số loại vi khuẩn và nấm men. Sả cũng chứa các chất có tính giảm đau, giảm sốt, kích thích tử cung và tiết máu trong chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời nó cũng có chứa thành phần chống oxy hóa.
Tính sát khuẩn của sả
Theo một nghiên cứu của tạp chí y khoa Braxin, khi người ta sử dụng sả như một phương pháp điều trị nhiễm trùng staph, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy các đặc tính sát khuẩn tiềm ẩn của sả có hiệu quả hơn các loại thuốc kháng sinh và streptomycin.
Khi dùng sả để tẩy rửa hoặc đắp lên da, nó cũng có tác dụng chống lại nhiều loại bệnh nhiễm trùng da hoặc các vết loét bị nhiễm trùng. Bạn có thể chữa bệnh nấm da với sả bằng cách ngâm chân trong bồn nước (với tỷ lệ 3 giọt dầu sả và 2–3 lít nước ấm) trong vòng 20 phút.
Dinh dưỡng của sả
Sả mang lại rất nhiều lợi ích dinh dưỡng. Một chén sả có chứa khoảng hơn 10% hàm lượng sắt, magiê, kali, kẽm và folate khuyến nghị hàng ngày. Khoáng chất có hàm lượng cao nhất trong đó là mangan – khoảng 175% giá trị khuyến nghị. Mangan là một chất dinh dưỡng thiết yếu và có tác dụng điều trị các bệnh loãng xương, thiếu máu và hội chứng tiền kinh nguyệt.
Đặc tính chống viêm
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 cho thấy chiết xuất sả chính là phương pháp điều trị các bệnh viêm nhiễm vô cùng hiệu quả. Các nhà nghiên cứu khẳng định các chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong sả giúp làm giảm sự căng thẳng.
Một nghiên cứu tương tự được công bố năm 2010 cho thấy sả chính là một liệu pháp điều trị bệnh viêm ruột vì có khả năng ức chế quá trình sản sinh leukocyte – một loại tế bào bạch cầu, từ đường ruột bị viêm nhiễm.
Tính an toàn của sả
Cây sả tương đối an toàn đối với hầu hết mọi người khi dùng để ăn hoặc để chế biến thức ăn hay chữa bệnh trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vì sả có một số tác dụng phụ độc hại, chẳng hạn như gây ra các vấn đề sức khỏe về phổi sau khi hít phải tinh dầu sả và nếu nuốt phải thuốc chống côn trùng làm từ dầu sả có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Một số thận trọng và cảnh báo đặc biệt
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú hoàn toàn không nên ăn sả hoặc các thực phẩm chứa sả trong suốt thời kỳ mang thai. Nguyên nhân vì sả có tính kích thích tử cung và chu kỳ kinh nguyệt, có thể dẫn đến tình trạng sảy thai.
Hiện vẫn chưa có đầy đủ thông tin đáng tin cậy về tính an toàn của cây sả đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Do đó, để tự giữ an toàn cho bản thân, các bà mẹ hãy lưu ý tránh sử dụng sả nhé.
Hello Bacsi hy vọng đã mang đến cho bạn những thông tin bổ ích về cây sả để bạn có thể tận dụng loại cây này nhiều hơn trong đời sống hằng ngày.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Top 10 lợi ích cho sức khỏe từ cây sả
- Bạn đã biết những công dụng tuyệt vời của lá chanh?
- Củ nghệ, loại gia vị mang đến công dụng tuyệt vời cho sức khỏe
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!