'Cực nguy hiểm khi uống C2, rồng đỏ thời gian dài'

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Các chuyên gia cho rằng, với các sản phẩm nước C2, Rồng đỏ vượt ngưỡng chì mới bị thu hồi nếu dùng lâu dài sẽ rất nguy hiểm đối với cơ thể con người.

Nguy hại cho cơ thể

Tối 20/5, Thanh tra Bộ Y đã ra yêu cầu thu hồi 3 lô sản phẩm nước giải khát C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ ngay từ 20/5/2016 vì hàm lượng chì vượt mức doanh nghiệp công bố.

Các mẫu trên được đoàn kiểm tra Bộ Y tế lấy vào ngày 10/5 và 13/5/2016 do Viện Dinh Dưỡng quốc gia kiểm nghiệm. Cụ thể:

Lô trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017, có hàm lượng chì là 0,085 mg/l. Mức vượt là 0,035 mg/l, tương đương vượt 70%.

Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 19/2/2016, hạn sử dụng 19/11/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,053 mg/l. Mức vượt là 0,003 mg/l, tương đương vượt 6%.

Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 10/11/2015, hạn sử dụng 10/08/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì là 0,068 mg/l. Mức vượt là 0,018 mg/l, tương đương vượt 36%.

Trong một diễn biến khác, ngoài 3 lô bị thu hồi trên còn có 2 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ khác có hàm lượng chì vượt ngưỡng nhiều lần cho phép.

Lô nước C2, NSX 11/1/2016 - HSD 11/1/2017 có hàm lượng chì là 0,46 và lô Rồng đỏ, NSX 14/1/2016 - HSD 14/1/2017 có hàm lượng chì 0,21; tức là vượt rất nhiều lần cho phép.

Kết quả kiểm nghiệm này do bà Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC) ký vào ngày 16/2/2016.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, chì là một kim loại nặng thuộc nhóm kim loại độc, do đó cần phải hết sức lưu tâm.

'Trong trường ăn hoặc uống với hàm lượng chì nhiều sẽ có thể gây ra nhiễm độc chì cấp tính hoặc mãn tính tùy thuộc mức độ dung nạp hàm lượng chì vào cơ thể.

Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc nhưng nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh về lâu về dài', PGS.TS Thịnh nói.

'Cực nguy hiểm khi uống C2, rồng đỏ thời gian dài'

 PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh. Ảnh: Báo Lao động.

Cũng theo PGS.TS Thịnh, thực tế, hiện nay, trong rất nhiều các loại đồ uống, kể cả nước khoáng cũng có chì. Nhưng hàm lượng của chất này được quy định rất chặt chẽ.

Cụ thể, trong nước uống thiên nhiên đóng chai, nước đóng chai thì hàm lượng chì liên quan đến an toàn thực phẩm là 0,01mg/lít.

Đối với các dạng nước như trà xanh C2 hay nước tăng lực Rồng đỏ thì giới hạn hàm lượng chì cho phép là 0,05mg/lít. Các doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn này.

'Ở đây, đối với các sản phẩm C2, Rồng đỏ bị phát hiện có hàm lượng chì vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì các cơ quan chức năng phải tiến hành xử lý theo đúng các quy định.

Việc Thanh tra Bộ Y tế tiến hành tạm thời đình chỉ lưu hành, yêu cầu thu hồi các lô sản phẩm đó là đúng quy định và điều đó nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng', PGS. TS Thịnh nêu.

Về việc, nếu chẳng may sử dụng phải các sản phẩm C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng này sẽ nguy hại như thế nào, PGS.TS Thịnh nêu rõ, chắc chắn sẽ nguy hại và 'dùng lâu dài sẽ rất nguy hiểm'.

Bởi, các nghiên cứu đã chỉ rõ hàng ngày, nếu cơ thể hấp thu từ 1 mg chì trở lên, sau một vài năm, sẽ có những triệu chứng như:

Hơi thở thối, sưng lợi với viền đen ở lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, trong nước tiểu có poephyrin, phụ nữ dễ bị sảy thai.

'Do đó, ở đây các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra, lấy mẫu các loại nước này để xác định rõ xem có đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn hay không. Nếu không đảm bảo phải xử lý ngay, nghiêm minh.

Còn đối với người tiêu dùng thì dù chì có ở trong ngưỡng cho phép vẫn không tốt, chưa kể, nguyên liệu để sản xuất nhiều loại nước đóng chai này là nguyên liệu công nghiệp, hóa học.

Do đó, nên hạn chế uống những sản phẩm nước đóng chai kiểu này, có thể là 1 tuần hay 10 ngày uống một lần và không uống là tốt nhất', PGS.TS Thịnh đưa ra lời khuyên.

Đừng vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe người tiêu dùng

Về 2 lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ khác có hàm lượng chì vượt ngưỡng nhiều lần cho phép, PGS.TS Thịnh nhìn nhận, nếu đúng có kết quả như vậy thì chắc chắn sẽ rất nguy hiểm nếu sử dụng phải các sản phẩm này.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tiến hành lấy mẫu, kiểm tra và công bố công khai, rõ ràng kết quả để người tiêu dùng nắm được.

'Cực nguy hiểm khi uống C2, rồng đỏ thời gian dài'

Uống nước giải khát rồng đỏ, C2 thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe (ảnh: Internet)

'Đây mới chỉ là thông tin ban đầu còn cụ thể như thế nào, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ và công khai đến người tiêu dùng. Nếu đúng là như vậy là rất nguy hiểm, phải xử lý nghiêm minh.

Các doanh nghiệp cần phải lấy chữ tín làm đầu, tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn, đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm.

Đừng vì lợi nhuận mà đánh đổi lấy sức khỏe của người tiêu dùng vì mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe có thể chưa thấy ngay nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng', PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Khoa Dược (ĐH Y Dược TP HCM) cũng cho hay, thực tế, chỉ cần hít thở không khí có nồng độ 5m/lít chì hữu cơ đã có thể tử vong.

Tiếp xúc lượng dư trên 200 mcg chì/ngày trong môi trường sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động sống của con người. Còn nếu lượng dư khoảng 1 mg/ngày có thể gây ngộ độc chì kinh niên được cho là nguy hiểm nhất.

Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như: da, lông, tóc, móng.

Chì gây hại lên các hệ thống men cơ bản, nhất là men hemosynthetase trong quá trình vận chuyển tổng hợp heme là chất tạo ra hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).

Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống nhưng nếu hàm lượng chì/máu trên 0,8 ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin theo cơ chế vừa kể.

Thiếu máu có thể xem là dấu hiệu đầu tiên trong nhiễm độc chì.

Ngoài ra, một số dấu hiệu ngộ độc cấp chì biểu hiện như rát miệng, nôn, đau bụng, ỉa phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!