Cùng bé 'chơi' với tiếng sấm sét

Làm mẹ - 04/29/2024

Một vài cách đơn giản sẽ khiến bé nhà bạn không còn thấy sợ hãi tiếng sấm sét nữa.

Cứ mỗi khi trời mưa gió, bé nhà bạn lại sợ hãi vô cùng khi có tiếng sấm sét hay tia chớp. Bé khóc thét hay trốn chạy. Không cần phải quá lo lắng về điều đó vì đây là nỗi sợ hãi của rất nhiều bạn nhỏ. Bố mẹ hãy trấn an cho con và dạy con những cách để con thấy tiếng sấm sét trở nên ‘thân thiện’ hơn.

Cùng bé 'chơi' với tiếng sấm sét

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

- Đôi khi nỗi sợ của con lại do chính bố mẹ hình thành. Ví dụ bố mẹ sẽ dọa bé về ‘ông đùng đoàng’ sẽ bắt cóc trẻ con. Vì thế nếu bé nhà bạn hay bị lo lắng thì bạn không nên ‘dọa’ bé.

- Cho bé biết trước khi trời mưa có thể có sấm sét. Đó là điều rất tự nhiên. Và nỗi sợ của bé là bình thường, không có gì xấu hổ cả.

- Kể cho bé nghe truyện cổ tích hoặc truyền thuyết về thần sấm thần sét, có thể tự nghĩ ra những lý do tốt đẹp khi thần sấm thần sét đến trong cơn mưa để bé không thấy sợ hãi.

- Nếu bé lớn có thể giải thích khoa học về hiện tượng tự nhiên. Cho bé thấy rằng sấm chớp không gây hại gì. Còn sét rất nguy hiểm nếu đi dưới trời mưa, nhưng nếu ở trong nhà thì không ảnh hưởng gì.

- Mở nhạc hoặc ti vi tiếng lớn để át đi, cuốn bé vào nội dung câu chuyện bố mẹ kể.

- Tạo trò chơi cho bé lấy tiếng sấm sét như tiếng báo hiệu trò chơi. Ví dụ dựng một cái lều bằng chăn gối trên giường, cứ khi nào có tiếng sấm, bé phải nhanh chóng chạy vào trong lều, khi nào hết lại chui ra lấy vật dụng nào đó.

- Hoặc chơi tập đếm với bé. Bố mẹ chỉ cho bé thấy điều thú vị sau tia chớp bao nhiêu lần đếm thì sẽ có tiếng sấm. Cùng bé tập đếm vài lần bé sẽ không sợ nữa. Hoặc đố bé trong cơn mưa này có bao nhiêu tiếng sấm.

- Nếu nỗi sợ kéo dài và không thể xoa dịu, kéo dài hơn 6 tháng, hãy đưa bé đi gặp bác sĩ tâm lý trẻ em. Để nỗi sợ kéo dài sẽ trở thành nỗi ám ảnh nghiêm trọng và khó điều trị khi bé lớn lên.

Nỗi sợ của trẻ cũng có những mặt tích cực. Khi trẻ biết sợ trẻ sẽ phòng tránh và cẩn thận hơn. Cho nên không sao cả nếu bé sợ hãi một điều gì đó. Bố mẹ hãy tìm hiểu vì sao bé sợ và cùng bé vượt qua điều đó.

Xem thêm:Kỹ năng sống còn khi trẻ ở nhà một mình

NT (Tổng hợp) 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!